Viêm tiểu phế quản là bệnh lý về phổi hay gặp ở trẻ em. Bệnh diễn biến phức tạp và có thể dẫn đến hậu quả xấu đối với sức khỏe của trẻ. Qua bài viết này chúng tôi sẽ mang đến cho mọi người những kiến thức cơ bản nhất về bệnh viêm tiểu phế quản để có thể chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các bé.
Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính của các phế quản nhỏ và trung bình, thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ em 3-6 tháng tuổi. Bệnh thường do virus gây ra và hay mắc bệnh vào những tháng mùa đông.

Đặc trưng của bệnh là phá huỷ các tế bào biểu mô, phù nề tế bào và tắc nghẽn đường thở do dịch nhầy và sản phẩm của quá trình viêm.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh
Viêm tiểu phế quản phổi thường do virus gây ra.Nhiễm virus sẽ làm cho phế quản bị sưng phù và viêm, các chất nhầy sinh ra trong đường hô hấp sẽ làm cho không khí lưu thông qua phổi khó khăn dẫn đến khó thở.
Các loại virus gây bệnh hay gặp:
- RSV (50-75%) có khả năng lây lan rất cao, có thể gây thành dịch lớn
- Adenovirus(10%) thường có bệnh cảnh nặng hơn, có khả năng diễn tiến thành viêm tiểu phế quản tắc nghẽn
- các nguyên nhân khác : Parainfluenza, influenza virus, mycoplasma …
Triệu chứng
Trong mấy ngày đầu có triệu chứng như cảm lạnh thông thường:
- Chảy nước mũi
- Nghẹt mũi
- Sốt nhẹ
Trong mấy ngày tiếp theo:
- Thở khò khè
- Thở nhanh, khó thở
- Nhịp tim nhanh
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện:
- Nôn mửa
- Thở nhanh, nông > 40l/p, dấu hiệu rút lõm lồng ngực
- Tím tái môi, đầu chi
- Nghe thấy thở khò khè
Các yếu tố nguy cơ
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Trai có xu hướng mắc bệnh cao hơn gái
- Không được bú mẹ đầy đủ
- Sinh non
- Hệ thống miễn dịch yếu
Viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không?
Viêm tiểu phế quản sẽ rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bởi những biến chứng cực kỳ nặng nề mà nó gây ra. Những biến chứng nặng có thể gây tử vong.
Biến chứng nặng nề nhất của viêm tiểu phế quản là suy hô hấp và bội nhiễm.
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là trường hợp người bệnh đã bị viêm tiểu phế quản rồi mà lại nhiễm thêm 1 hoặc vài loại vi khuẩn,virus khác. Nguyên nhân bị viêm phế quản bội nhiễm ở trẻ chính là do hiện tượng viêm lan rộng từ đường hô hấp trên xuống đường phế quản: phế cầu, liên cầu, Moraxella catarrhalis…
Nguyên nhân gây ra viêm tiểu phế quản bội nhiễm là do hệ hô hấp cùng các tiểu phế quản bị virus xâm nhập. Trong đó tiểu phế quản là những ống nhỏ nhất trong đường hô hấp và rất dễ bị tổn thương.
Khi bị virus tấn công, phế quản sẽ bị sưng lên và viêm nhiễm, vì sức đề kháng của trẻ còn yếu nên tình trạng này thường xảy đến nhanh hơn so với ở người trưởng thành.
Hiện tượng viêm và phù nề ở ống thở cũng khiến chất nhầy được sản sinh ra nhiều hơn và tích tụ lại dẫn ngăn cản không khí lưu thông. Thêm vào đó, tiểu phế quản ở trẻ em thường vẫn còn rất nhỏ và chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị tắc nghẽn, khó thở.
Trẻ bị viêm phế quản bội nhiễm thường có các triệu chứng sau:
- Tắc mũi, nghẹt mũi
- Ho, khó thở
- Thở khò khè
- Sốt
Khi thấy trẻ sốt cao, nôn mửa, khó thở(thở nhanh, rút lõm lồng ngực), tím tái thì nên đưa trẻ đi viện ngay
Những biến chứng của viêm tiểu phế quản bội nhiễm:
- Ngừng thở
- Xẹp phổi
- Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất
- Mất nước
- Co giật
- Rối loạn nhịp tim
- Tử vong
- Biến chứng lâu dài có thể xảy ra là khò khè tái phát hoặc hen phế quản
Phác đồ điều trị viêm tiểu phế quản
Nguyên tắc điều trị
Điều trị triệu chứng là chính, chủ yếu bao gồm cung cấp đủ nước – điện giải – dinh dưỡng và cung cấp đủ oxy
Điều trị tại nhà đối với các trường hợp nhẹ
Không chỉ định kháng sinh, thuốc giãn phế quản, corticoid chỉ cần điều trị triệu chứng:
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia nhỏ bữa, bú bình thường
- Cho trẻ uống nhiều nước, hạ sốt
- Vệ sinh mũi họng bằng Nacl 0,9%
- Khi có các dấu hiệu nặng cần đi khám lại ngay.
Điều trị tại viện đối với các trường hợp trung bình
- Cho thở oxy khi trẻ có dấu hiệu thở gắng sức
- Hạ sốt
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia nhỏ bữa
- Nuôi ăn qua sonde dạ dày khi trẻ khi:
- Trẻ nôn liên tục khi ăn bằng đường miệng
- Trẻ khó bú, mút, hô hấp
- Vệ sinh mũi họng bằng Nacl 0,9%
- Truyền dịch khi trẻ có dấu hiệu mất nước
- Khí dung giãn phế quản.
Theo dõi, điều trị tại phòng cấp cứu đối với các trường hợp nặng
- Hạ sốt
- Thở oxy
- Bù nước và điện giải bằng truyền tĩnh mạch khi trẻ có dấu hiệu mất nước
- Khí dung giãn phế quản
- Sử dụng corticoid khi có dấu hiệu hen hoặc suy hô hấp
- Sử dụng kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản nên kiêng ăn những gì?
Chế độ ăn và dinh dưỡng rất quan trọng đối với việc tăng hay giảm tình trạng bệnh viêm tiểu phế quản. Sau đây là những thứ không nên cho trẻ ăn khi bị viêm tiểu phế quản:
- Thực phẩm nhiều muối, quá mặn: Làm giữ nước và tăng chất nhầy trong viêm tiểu phế quản
- Thực phẩm chiên xào, độ mỡ cao: Làm tăng quá trình viêm
- Các đồ ăn chua chát: Dễ gây long đờm làm trẻ khó chịu
- Thức ăn cay nóng: Gây ngứa rát họng
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm tiểu phế quản mà chúng ta nên biết để phòng tránh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ được tốt hơn. Lưu ý khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh viêm tiểu phế quản thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị chứ không nên tự điều trị cho trẻ ở nhà. Cám ơn mọi người đã đọc bài viết này