Hiện tượng Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là tình trạng viêm nhu mô phổi. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), viêm phổi bao gồm viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phổi thùy và abces phổi. Tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng và tổn thương giải phẫu mà có cách phân loại bệnh lý khác nhau.
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Theo thống kê của Hoa Kỳ, bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh là bệnh lý thường gặp gây tử vong cho trẻ em ở Mỹ. Tại Việt Nam, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong cao nhất chiếm 33% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân.
Trong đó tỉ lệ mắc bệnh của trẻ sinh đủ tháng là 1% và trẻ sinh non tháng là lớn hơn 10%. Tỉ lệ tử vong của viêm phổi trên trẻ sinh non tháng là khoảng 50% số trường hợp.
Hàng năm, có hơn 2.9 triệu lượt viêm phổi ở trẻ em, chiếm tỉ lệ nhập viện cao thứ hai sau tiêu chảy cấp. Đó là những số liệu khách quan để đánh giá tình trạng viêm phổi ở trẻ em nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng. Vậy triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh là gì?
Các dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào độ tuổi, độ nặng của bệnh và tác nhân gây bệnh.
- Với trẻ chu sinh: Viêm phổi thường xuất hiện sớm và tiến triển nhanh chóng do cơ quan hô hấp chưa phát triển đầy đủ. Trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, lạnh run, quấy khóc, bỏ bú. Suy hô hấp nhanh 48 giờ sau sinh với các dấu hiệu cánh mũi phập phồng, rên, co kéo cơ hô hấp thậm chí là rút lõm lồng ngực, tím tái có thể đi kèm với nhiễm trùng huyết.
- Với trẻ sau sinh: Sốt là biểu hiện đầu tiên. Sốt từ nhẹ đến cao tùy thuộc vào tuổi và tác nhân gây bệnh. Trẻ không có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp trên, hơn 50% trẻ bú kém, lúc đầu ho khan sau đó ho có đàm, nôn, bỏ bú, tím tái và li bì. Ngưng thở gặp trong 40% trẻ nhiễm virus hô hấp hợp bào ( RSV).
Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh phải kể đến 2 nhóm nguyên nhân chính: nguyên nhân vi sinh và nguyên nhân không do vi sinh.
- Nguyên nhân do vi sinh: Virus là nguyên nhân ưu thế trong viêm phổi của trẻ em chiếm 80-85% trường hợp mắc bệnh. Virus hợp bào hô hấp (RSV), á cúm, cúm, Adenovirus và Picornavirus là tác nhân gây bệnh thường gặp. Vi khuẩn gây triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường thấy gồm: Steptococci nhóm B, Chlamydia, trực khuẩn đường ruột.
- Nguyên nhân không do vi sinh bao gồm: Hít, sặc: thức ăn, dị vật, dịch vị, dầu hôi. Thuốc, phóng xạ và cơ địa quá mẫn cũng là một nguyên nhân thường thấy.
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng có nguy hiểm không?
Sau khi sinh, bộ máy hô hấp vẫn tiếp tục phát triển. Lúc này đường hô hấp của trẻ hẹp và ngắn, niêm mạc hô hấp có nhiều mao mạch nên khi viêm dễ bị phù nề và xuất tiết nhiều gây chít hẹp đường thở, xu hướng viêm lan tỏa khắp phổi. Thêm vào đó phế nang số lượng ít và nhỏ, thông khí bàng hệ kém nên dễ bị xẹp phổi.
Lồng ngực của trẻ mềm, các xương sườn nằm ngang, giãn nở kém dễ bị biến dạng. Các cơ hô hấp hoạt động chưa tốt, não chưa điều hòa nhịp thở tốt, trẻ dễ có cơn ngừng thở hoặc thở không đều. Do đó, trẻ dễ bị suy hô hấp, ngưng thở, kiệt sức và có thể tử vong khi bị viêm phổi.
Điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Với trẻ sơ sinh bị viêm phổi nhẹ được sử dụng kháng sinh đặc hiệu ngay từ giai đoạn đầu theo đúng chủng vi khuẩn nuôi cấy làm kháng sinh đồ. Kháng sinh chủ yếu dùng đường toàn thân (đường tiêm tĩnh mạch) vì chức năng nuốt của trẻ còn kém.
Điều trị hạ sốt, khò khè nếu có. Các bà mẹ nên chườm ấm cho con ở các vị trí có động mạch lớn như: bẹn, nách…trong lúc trẻ sốt cao để tránh các biến chứng sốt cao co giật.
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng cần được nhập viện điều trị tại cơ sở y tế có trang bị thiết bị hồi sức cấp cứu cơ bản và đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm hồi sức nhi khoa. Trẻ được theo dõi chỉ số sinh tồn liên tục (nhịp tim, nhiệt độ…) 2 giờ một lần.
Đánh giá tình trạng tím tái và độ bão hòa oxy để xác định có suy hô hấp không và chỉ định thở máy kịp thời. Tiếp đó điều trị triệu chứng của bệnh bằng các thuốc chống viêm, hạ sốt và cân bằng nước điện giải.
Với trẻ sơ sinh nên cho trẻ bú làm nhiều lần trong ngày, bú với số lượng ít chia làm nhiều lần bú. Như vậy trẻ sẽ không nôn trớ do bú quá nhiều. Đây cũng là một yếu tố phòng tránh việc sặc sữa vào đường thở. Cho trẻ uống đủ nước theo nhu cầu của trẻ.
Trẻ sơ sinh là một đối tượng nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh vì sức đề kháng non kém. Do đó khi trong nhà có người mắc bệnh cần kịp thời cách ly trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh dẫn đến bị bệnh.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý cấp tính diễn biến nhanh chóng và khả năng gây tử vong cao. Cần tích cực trong công tác phòng và điều trị bệnh để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ cũng như cộng đồng.