Viêm phổi kẽ là bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Bệnh do nhiều nguyên nhân; diễn biến phức tạp, chưa có cách điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Vì vậy, bài viết này chúng tôi đề cập những thông tin cơ bản nhất về bệnh viêm phổi kẽ bạn cần nắm rõ để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.
Viêm phổi kẽ là gì?
Viêm phổi kẽ là một tình trạng bệnh lý của cơ quan hô hấp, đặc trưng bởi những tổn thương ở khoảng kẽ phổi lâu ngày tiến triển thành sẹo mô phổi; những tổn thương này thường có xu hướng lan tỏa sang các vùng khác, không cố định. Vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị bệnh là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi kẽ
Cơ chế bệnh: Kẽ phổi là những khoảng trống bên trong lá phổi có chức năng điều hòa việc trao đổi khí. Khi có một chấn thương phổi kích hoạt phản ứng hồi phục bất thường sẽ gây ra bệnh phổi kẽ.
Bình thường, cơ thể sẽ sản sinh ra các mô mới để chữa lành các tổn thương. Nhưng nếu bị bệnh phổi kẽ thì quá trình hồi phục sẽ gặp trục trặc, các mô xung quanh các phế nang bị sẹo dày lên, cản trở oxy đi vào máu.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra viêm phổi kẽ:
- Do một số bệnh tự miễn: Viêm khớp dạng thấp, viêm phổi, xơ cứng bì, Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren…
- Do nhiễm khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng
- Hít phải dị vật từ môi trường sống và làm việc đi vào phổi: sợi lông, sợi amiăng, khói thuốc, bụi than, bụi hạt, bụi silic, bụi kim loại, hóa chất, khí clo…
- Thuốc và bức xạ:
- Thuốc kháng sinh: Nitrofurantoin, sulfasalazine
- Thuốc điều trị bệnh tim mạch như amiodarone, propranolol
- Thuốc miễn dịch: Methotrexate, cyclophosphamide
Vì vậy, không được tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Một số người bệnh ung thư phổi hoặc ung thư vú được chỉ định xạ trị cũng có dấu hiệu tổn thương phổi kẽ sau vài tháng hoặc vài năm kết thúc xạ trị. Mức độ tổn thương phổi phụ thuộc vào liều lượng bức xạ, số lần xạ trị, các hóa trị liệu liên quan khác và tình trạng của phổi khi đó.
Từ những nguyên nhân cơ bản nêu trên, có thể nhóm ra được một nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ bị viêm phổi kẽ, đó là:
- Người đang mắc các bệnh tự miễn như đã nêu ở trên.
- Người sinh sống và làm việc lâu dài trong môi trường ô nhiễm khói bụi, khu công nghiệp.
- Người hút thuốc lá, thuốc lào hoặc hít phải khói thuốc thụ động trong thời gian dài.
- Bệnh nhân đã điều trị xạ trị, sử dụng một số thuốc điều trị tim mạch, thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp viêm phổi kẽ không rõ nguyên nhân cụ thể gọi là viêm phổi kẽ tự phát. Bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi, ở nam hay gặp hơn.
Triệu chứng viêm phổi kẽ
- Ho khan dẫn đến đau rát ngực khi ho nhiều.
- Khó thở: ban đầu là thấy khó thở khi vận động mạnh, sau bệnh tiến triển nặng hơn thì khó thở cả khi vận động nhẹ, nói chuyện, ăn uống.
- Thở khò khè.
- Móng tay có đường cong trên đỉnh, đây là một dấu hiệu rất đặc trưng.
- Sút cân, mệt mỏi.
Các triệu chứng có xu hướng nặng dần lên theo tiến triển xấu của bệnh, ho nhiều hơn, khó thở tăng dần, cơ thể ngày càng mệt mỏi.
Cách điều trị bệnh viêm phổi kẽ
Dù điều trị theo phương pháp nào thì nguyên tắc chung nhất vẫn là:
Điều trị nguyên nhân
- Loại bỏ hoặc hạn chế cao nhất các tác nhân gây hại ra khỏi môi trường sống: khói thuốc, bụi ô nhiễm, vi khuẩn, virus…
- Điều trị các bệnh tự miễn liên quan nếu mắc.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng các loại thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, bức xạ trị cho bệnh nhân ung thư. Kiểm tra sức khỏe phổi định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm tránh biến chứng nặng lên
Điều trị triệu chứng
- Thở oxy khi bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp: giúp bệnh nhân dễ thở hơn, giảm nguy cơ biến chứng do suy hô hấp, bệnh nhân dễ chịu và ngủ ngon hơn.
- Một khi mô sẹo đã hình thành thì phổi không thể phục hồi trở về trạng thái như bình thường được. Vì thế một số thuốc chống viêm thường được sử dụng như Corticosteroid giúp cải thiện tình trạng viêm. Nhưng song song với tác dụng kháng viêm của Corticosteroid thì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như loãng xương, tăng đường huyết, nhiễm khuẩn… Vì vậy thuốc không được chỉ định dùng trong thời gian dài.
- Phẫu thuật cấy ghép phổi là lựa chọn cuối cùng cho người bệnh viêm phổi kẽ giai đoạn nghiêm trọng mà các phương pháp khác không cải thiện được.
- Ngoài ra, một số phương pháp điều trị bệnh viêm phổi kẽ bằng các bài thuốc Đông y cổ truyền cũng được lựa chọn bởi tính chất lành tính, an toàn, ít tác dụng phụ nên dùng được lâu dài.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản nhất về bệnh viêm phổi kẽ. Nắm rõ được khái niệm, những nguyên nhân và triệu chứng đặc hiệu của bệnh và phương pháp điều trị để từ đó có biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tốt nhất.