Viêm phổi cấp là một bệnh thường gặp, xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người trưởng thành. Viêm phổi cấp chiếm một tỉ lệ lớn các bệnh nhân điều trị tại khoa hô hấp của các bệnh viện trên cả nước. Khi phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và không để lại biến chứng.
Viêm phổi cấp là gì?
Hệ hô hấp được chia ra làm 2 phần chính: ống dẫn khí và nhu mô phổi. Hệ thống ống dẫn khí gồm khí quản, phế quản, tiểu phế quản. Nhu mô phổi gồm thành phần là các phế nang, tiểu phế quản tận cùng và mô kẽ.
Ngoài ra còn có các cơ quan phụ trợ cho chức năng hô hấp như: lồng ngực, màng phổi, cơ, xương… các cơ quan này phối hợp nhịp nhàng với nhau để tạo ra động tác hô hấp. Động tác này giúp cơ thể trao đổi khí với môi trường, đóng vai trò sinh mạng của con người.
Bình thường trong hệ hô hấp của chúng ta có một hệ thống bảo vệ là lớp biểu mô có lông chuyển. Lớp biểu mô này có tác dụng đẩy vi khuẩn, bụi…và các tác nhân có hại ra khỏi đường thở.
Ngoài ra còn có các kháng thể và các đại thực bào tại phổi cũng góp phần bảo vệ và duy trì chức năng của hệ hô hấp. Vì một nguyên nhân nào đó khiến các tác nhân bảo vệ này suy yếu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Viêm phổi cấp là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng.
Quá trình viêm tạo ra các sản phẩm trung gian của phản ứng viêm, xung huyết và tăng tiết dịch. Đặc trưng trong tổn thương giải phẫu bệnh lý viêm phổi cấp là khối đông đặc nhu mô phổi. Do đó làm giảm nghiêm trọng chất lượng trao đổi khí của phổi.
Viêm phổi cấp có nguy hiểm không?
Viêm phổi cấp là một bệnh lý dễ phát hiện và điều trị sớm. Người bệnh thường đi khám ngay khi có những triệu chứng đầu của bệnh như: sốt, ho, khó thở… do vậy tỉ lệ điều trị khỏi bệnh là khá cao.
Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan không điều trị, khiến bệnh trầm trọng và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm gồm: tràn dịch, tràn mủ, tràn máu màng phổi; abces phổi; hoại tử phổi; nhiễm trùng huyết… Biến chứng viêm phổi cấp điều trị rất lâu dài, tốn kém thậm chí có thể gây tử vong.
Gần đây, hiện trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt là hiện tượng đa kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn khiến cho việc điều trị viêm phổi trở nên khó kiểm soát. Tỉ lệ bệnh nhân viêm phổi cấp có biến chứng xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương, gây ra sự bất an trong cộng đồng dân cư.
Vậy viêm phổi cấp có lây không?
Bệnh phổi là một yếu tố phát tán virus, vi khuẩn, kí sinh trùng ra ngoài môi trường thông qua ho, hắt hơi. Nhưng việc có lây nhiễm viêm phổi không thì lại cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chủng virus, vi khuẩn; cơ địa của từng người; hình thức tiếp xúc với tác nhân gây bệnh…
Với các chủng virus cúm A, cúm B hoặc trực khuẩn lao là các căn nguyên dễ dàng tạo ra các vụ dịch trong cộng đồng. Những người suy giảm miễn dịch, già yếu, trẻ em, nghiện rượu, hôn mê hoặc phải nằm lâu cũng là những đối tượng dễ lây nhiễm viêm phổi.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người nào thuộc nhóm đối tượng trên cũng có thể mắc viêm phổi. Song cũng cần có biện pháp để phòng ngừa và điều trị cho những trường hợp này.
Điều trị viêm phổi cấp như thế nào?
Đối với việc điều trị viêm phổi cấp, kháng sinh luôn được dùng ngay những ngày đầu xuất hiện bệnh. Việc lựa chọn kháng sinh phù hợp cần được dựa theo kháng sinh đồ. Đây là một công cụ đánh giá độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh hiện hành.
Sử dụng kháng sinh đồ không những xác định chính xác kháng sinh đặc hiệu với chủng vi khuẩn gây bệnh mà còn làm giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang hết sức nguy hại hiện nay.
Điều trị triệu chứng bằng các thuốc hạ sốt, chống viêm non-steroid, cân bằng nước và điện giải. Nếu có khó thở cho thở oxy và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Với các trường hợp có suy hô hấp cần được hỗ trợ thở bằng thở máy trong các đơn vị hồi sức cấp cứu. Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng tim mạch của người bệnh phát hiện dấu hiệu trụy mạch.
Các bệnh nhân mắc viêm phổi cấp cần được nghỉ ngơi nhiều, không nên vận động mạnh, việc tập luyện thể dục thể thao cũng cần được tạm dừng. Sau khi điều trị viêm phổi thì cần tập thở để tránh tình trạng dày dính phế nang.
Ăn uống đầy đủ, đảm bảo đầy đủ các nhóm thực phẩm đạm, đường và hạn chế mỡ động vật. Nhu cầu năng lượng cao để giúp cơ thể tăng tái tạo các mô bị tổn thương, đảm bảo thức ăn cần lỏng nhẹ dễ tiêu hóa.
Không nên sử dụng các đồ ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn hoặc quá nhiều đạm. Tăng cường rau xanh hoa quả tươi, đặc biệt các thực phẩm giàu vitamin C như: cam, chanh, bưởi, quýt…. Uống nhiều nước giúp cơ thể đảm bảo duy trì chuyển hóa cơ bản.
Viêm phổi cấp là một bệnh lý thường gặp. Nguyên nhân do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng không phải trực khuẩn lao. Tính chất bệnh cấp tính, biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Khi có các dấu hiệu sốt, ho đờm, khó thở, đau ngực… cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.