Viêm phế quản co thắt hay còn gọi là viêm phế quản dạng hen là một thể lâm sàng của viêm phế quản cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Bệnh có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dưới đây sẽ là một số thông tin hữu ích về bệnh.
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Nguyên nhân gây ra viêm phế quản co thắt
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm phế quản co thắt ở trẻ, trong đó các nguyên nhân phổ biến là:
- Nhiễm virus thường là virus hợp bào đường hô hấp RSV (respiratory syncytial virus).
- Nhiễm vi khuẩn thường là phế cầu, tụ cầu, liên cầu, H.influenzae…
- Ngoài ra có thể do nguyên nhân dị ứng, nhiễm nấm hoặc các nguyên nhân hóa học khác.
- Đặc biệt là do hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện nên sức đề kháng với các tác nhân bên ngoài còn non yếu, vào thời tiết giao mùa trẻ dễ mắc bệnh.
Cơ chế gây bệnh viêm phế quản co thắt
- Do các tác nhân làm cho phế quản bị viêm dẫn tới tình trạng co thắt cơ trơn phế quản, làm thu hẹp tạm thời lòng phế quản.
- Ngoài ra các tuyến phế quản bị viêm cũng làm tăng tiết dịch nhầy làm cản trở lưu thông khí trong phổi.
Từ đó dẫn tới các triệu chứng điển hình của viêm phế quản co thắt.
Triệu chứng viêm phế quản co thắt trẻ nhỏ
- Khởi phát bằng các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên : sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng…
- Thời kỳ toàn phát các triệu chứng rõ ràng và rầm rộ hơn:
+ Ho là chủ yếu và thường gặp. Lúc đầu ho khan , rát họng, từng cơn, nhất là lúc nằm . Về sau ho có đờm, ho kéo dài kèm theo hiện tượng xuất tiết, ho nhiều vào buổi sáng.
+ Khó thở xuất hiện trong trường hợp nặng, trẻ tím tái, co kéo lồng ngực và khoang liên sườn, thở khò khè, thở rít, thở nhanh nông.
+ Toàn trạng nặng, sốt cao, da xanh tái, vẻ mặt nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
+ Trẻ có thể bị nôn trớ, sau khi bú hoặc sau khi chịu một kích thích như ho, khóc.
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em có triệu chứng khá giống với bệnh hen phế quản, nên rất hay bị nhầm lẫn, dẫn đến điều trị sai hướng.
Phác đồ điều trị viêm phế quản co thắt
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em để lại nhiều biến chứng xấu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ như viêm tai giữa, viêm phổi, suy hô hấp. Vì thế mà phải trị sớm, và điều trị đủ liều, đúng phác đồ.
Nguyên tắc điều trị:
- Chống suy hô hấp
- Điều trị nguyên nhân
- Điều trị triệu chứng, giãn phế quản nếu cần
- Chế độ ăn uống, theo dõi, chăm sóc, hỗ trợ
Chống suy hô hấp
- Hút thông đường thở cho trẻ.
- Nằm phòng rộng thoáng mát, nằm trên giường đầu ngả tối đa, kê gối dưới vai, nới rộng quần áo tã lót.
- Cho trẻ thở oxy qua sonde mũi, lồng ấp hoặc lều oxy cho đến khi hết tím tái, nhịp thở giảm, trẻ nằm yên.
- Với trẻ <2 tháng cho thở oxy liều 0,5-1 lít/phút, trẻ 2 tháng đến 5 tuổi liều 2-3 lít/phút.
- Nếu có ngừng thở thì hô hấp hỗ trợ bằng đặt nội khí quản, bóp bóng, thở máy…

Điều trị nguyên nhân
Viêm phế quản co thắt do vi rút chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Nếu có bằng chứng về nhiễm khuẩn, thì phải dùng thuốc kháng sinh, lựa chọn kháng sinh hợp lý:
- Amoxicillin 75-90 mg/kg/24h chia 3 lần uống.
- Erythromycin 50 mg/kg/24h chia 3 lần uống.
Điều trị triệu chứng
- Sốt: Chườm, nếu sốt trên 38.5 độ C thì dùng thuốc, thường là Paracetamol liều 10-15mg/kg cân nặng, 6h/lần.
- Ho : Giảm ho bằng các thuốc đông y như chanh, quýt, mật ong… không nên lạm dụng thuốc ho.
- Bù nước và điện giải cho trẻ: Oresol, nước sinh tố hoa quả.
Chế độ ăn uống, theo dõi, chăm sóc, hỗ trợ
- Đảm bảo sữa mẹ đầy đủ, nếu không bú được thì vắt sữa đổ thìa hoặc ăn qua sonde.
- Thức ăn dễ tiêu, nhiều vitamin.
- Uống đủ nước để bù lại nước mất do sốt cao, thở nhanh, nôn.
- Cho trẻ nằm phòng thoáng mát, mặc quần áo mỏng, ít tã lót. Bảo đảm trẻ được ngủ nhiều.
- Giữ vệ sinh da, tai mũi họng.
- Thay đổi tư thế luôn cho trẻ, tránh nằm lâu gây ứ đọng phổi.
Dự phòng bệnh cho trẻ
Phòng bệnh cho trẻ là một trong những công việc vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng sức đề kháng với tác nhân gây bệnh. Phụ huynh nên lưu ý các vấn đề sau:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu mẹ đủ sữa), trường hợp mẹ không đủ sữa thì cho uống thêm sữa công thức nhưng phải phù hợp với độ tuổi tuổi.
- Khi trẻ ăn dặm, cung cấp cho bé đầy đủ chất dinh dưỡng, chế biến thức ăn gồm 4 nhóm thực phẩm.
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, không gian nghỉ ngơi sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé, sau khi đi vệ sinh
- Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, đặc biệt khói thuốc lá.
- Sử dụng các sản phẩm giúp tăng sức đề kháng, giúp tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng ở trẻ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ nhỏ, hi vọng sẽ giúp một phần nào trong công tác phát hiện điều trị kịp thời bệnh cho trẻ để tránh các hậu quả xấu về sau.