Viêm phế quản có lây hay không? Đây là câu hỏi của rất nhiều người. Viêm phế quản là một trong các bệnh lý về hô hấp rất phổ biến, nhưng không phải ai cũng nắm được thông tin chính xác về căn bệnh này. Đây là lí do vì sao viêm phế quản không được phòng ngừa và điều trị ngay từ sớm.
Viêm phế quản có lây không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nắm rõ các thông tin về căn bệnh này.
Viêm phế quản là gì?
Phế là phổi, quản là cái ống, phế quản là ống dẫn không khí từ bên ngoài vào trong phổi. Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm tại lớp niêm mạc ống phế quản, xuất hiện các chất nhầy, dịch, mủ, làm ống dẫn khí bị thu hẹp lại, cản trở sự lưu thông không khí vào phổi.
Viêm phế quản có 2 loại:
- Viêm phế quản cấp tính: Thường diễn ra trong thời gian ngắn, có thể vài tuần.
- Viêm phế quản mạn tính: Có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, các ống phế quản liên tục bị viêm nhưng diễn ra âm thầm, khi gặp môi trường hay tác nhân thuận lợi sẽ bùng lên thành thể cấp tính. Viêm phế quản mạn tính nghiêm trọng hơn cấp tính rất nhiều.
Nguyên nhân của viêm phế quản
- Viêm phế quản cấp tính: Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus, các virus này cũng có thể gây nên bệnh cúm, do đó viêm phế quản cấp tính thường xuất hiện sau cảm lạnh hoặc cảm cúm. Bên cạnh đó, viêm phế quản cấp tính có thể do bội nhiễm vi khuẩn, hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae,…
- Viêm phế quản mạn tính: Khói thuốc lá chiếm tới 90% nguyên nhân. Ngoài ra, việc hít phải khói, bụi, hóa chất, ô nhiễm không khí,… cũng là nguy cơ làm xấu đi tình trạng bị viêm phế quản của người bệnh.
Vậy những ai là người có nguy cơ cao bị mắc viêm phế quản?
- Người nghiện hút thuốc, người hay phải tiếp xúc với khói thuốc;
- Người có sức đề kháng yếu; trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi;
- Người thường xuyên tiếp xúc, làm việc trong môi trường nhiều hóa chất, khói bụi;
- Người bị trào ngược dạ dày – thực quản: khi bị trào ngược, cổ họng rất dễ bị thích ứng và nhạy cảm với mọi tác nhân.
Triệu chứng của viêm phế quản
Viêm phế quản cấp tính và mạn tính đều có dấu hiệu như sau:
- Ho, ho khan kéo dài kèm theo đờm với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, vàng, xanh.
- Khó thở hoặc thở khò khè.
- Sốt và ớn lạnh (do nhiễm trùng, viêm).
- Mệt mỏi.
- Đau ngực, tức ngực.
Các dấu hiệu trên sẽ dồn dập và biến mất khi sự viêm nhiễm kết thúc với viêm phế quản cấp tính. Tuy nhiên, với viêm phế quản mạn tính, dù các triệu chứng có vẻ nhẹ hơn nhưng sẽ kéo dài và âm ỉ, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ dễ tái phát, nặng hơn và gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Nếu tình trạng ho ngày càng trầm trọng, kéo dài trên 3 tuần, ho cản trở việc ngủ, đi kèm sốt cao trên 38 độ, ho ra đờm kèm máu, thở khò khè và khó thở thì hãy đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Viêm phế quản có lây không?
Ta đã biết tác nhân gây viêm phế quản là virus và vi khuẩn. Tác nhân này có thể lây lan trong không khí, từ người qua người một cách dễ dàng, đặc biệt là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người bị hen suyễn.
Các giai đoạn của quá trình lây nhiễm viêm phế quản:
- Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn không triệu chứng, kéo dài 1-3 ngày sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
- Giai đoạn viêm đường hô hấp trên: Triệu chứng là đau rát họng, ho, hắt hơi, sổ mũi đi kèm sốt nhẹ. Đây là giai đoạn phát tán ra môi trường rất nhiều tác nhân gây bệnh.
- Giai đoạn viêm phế quản cấp: triệu chứng là ho dữ dội, ho khan, ho có đờm.
- Giai đoạn hồi phục: Sau 7-10 ngày, viêm nhiễm kết thúc và cơ thể sẽ dần phục hồi. Tuy nhiên với những người có đề kháng kém thì các triệu chứng còn kéo dài và có thể trầm trọng hơn.
Con đường lây nhiễm của viêm phế quản
Có 2 con đường là lây truyền trực tiếp từ người sang người qua tiếp xúc (nói chuyện với người bệnh, ho, hắt hơi) và lây gián tiếp qua vật dụng cá nhân (bát, chén, khăn mặt, bàn chải đánh răng,…)
Viêm phế quản là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, có thể hình thành dịch nếu không có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Tạo môi trường sống sạch sẽ cũng như thường xuyên vệ sinh chân tay, răng miệng.
- Hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu và đang bị viêm phế quản: hạn chế nói chuyện, bắt tay, dùng chung đồ sinh hoạt; bạn cũng nên đeo khẩu trang khi nói chuyện cũng như khi ra đường trong thời tiết giao mùa.
- Chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch.
- Không hút thuốc lá.
Viêm phế quản là bệnh dễ lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người bệnh. Đây là căn bệnh gây nhiều phiền toái, khó chịu và tiềm tàng nhiều nguy cơ sức khỏe nếu không được khám và điều trị kịp thời. Hãy chủ động phòng tránh viêm phế quản để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh.