Viêm họng mãn tính là một bệnh lý dai dẳng dễ tái phát. Có thể tiên phát tại họng hoặc do các bệnh lý tiêu hóa, răng hàm mặt…gây ra. Viêm họng mạn dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị.
Bệnh viêm họng mãn tính là gì?
Họng là một ống cơ và màng ở trước cột sống cổ. Đi từ mỏm nền tới đốt sống cổ thứ IV, là ngã tư của đường ăn và đường thở, nối liền mũi ở phía trên, miệng ở phía trước với thanh quản và thực quản ở phía dưới.

Giống như một cái phễu phần trên loe rộng, phần dưới thu hẹp. Thành họng được cấu trúc bởi lớp cân, cơ, niêm mạc. Đây là vùng có nhiều loại thần kinh (vận động, cảm giác, thực vật) nên rất dễ gây ra các phản xạ thần kinh nội tiết ở các vùng da của cơ thể.
Bệnh viêm họng mãn tính là tình trạng viêm nhiễm biểu mô niêm mạc họng kéo dài, thể hiện dưới 3 hình thức chính là xuất tiết, quá phát và teo. Các bệnh tích có thể khu trú hoặc lan tỏa.
Thể điển hình của viêm họng mãn tính là viêm họng mạn lan tỏa, viêm họng mạn khu trú gồm có viêm VA mạn tính và viêm amydal mạn tính.
Triệu chứng viêm họng mãn tính
Những dấu hiệu toàn thân của viêm họng mãn tính thường không có gì đặc biệt. bệnh nhân có thể sốt nhẹ hoặc không, chủ yếu là các triệu chứng cơ năng. Đây là triệu chứng khiến bệnh nhân khó chịu và đến khám bác sĩ.
Các triệu chứng điển hình nhất gặp nhiều ở viêm họng mãn tính lan tỏa. Người bệnh có cảm giác khô họng, cay họng, ngứa và vướng họng. Những cảm giác này thường rõ rệt nhất vào lúc sáng sớm khi mới ngủ dậy.
Bệnh nhân cố gắng ho, đằng hắng để làm long đờm. Nuốt có cảm giác vướng và đau. Tiếng có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Những bệnh nhân uống rượu, hút thuốc lá hoặc nói nhiều thì các triệu chứng ngày càng tăng thêm.
Khi thăm khám họng thấy niêm mạc họng xung huyết đỏ, ướt, có những hạt ở sau thành họng. Tiết nhầy dọc theo vách họng. Có thể hình thành trụ giả ở thành họng do niêm mạc họng quá phát.
Các cơ họng cũng có thể xuất hiện trạng thái quá phát. Lâu dần niêm mạc họng teo đi eo họng rộng ra, ít tiết nhầy và khô.
Viêm họng mãn tính có nguy hiểm không?
Thường thì viêm họng mạn sẽ lần lượt trải qua các giai đoạn xuất tiết, quá phát và teo nếu kéo dài không điều trị. Suy yếu niêm mạc đường thở cũng có thể gây viêm họng teo.
Điều này dẫn đến giảm khả năng lọc không khí của họng, tăng nguy cơ viêm nhiễm đường thở. Viêm họng mãn tính thường dẫn đến viêm thanh quản mạn tính, viêm thanh – khí quản mạn tính, viêm amydal – VA mạn tính, thậm chí là viêm đường hô hấp dưới và viêm phổi.
Viêm họng tái phát nhiều khiến cơ thể suy nhược, suy nhược thần kinh, tự ti khi giao tiếp xã hội vì phải khạc nhổ và tằng hắng nhiều. Nghiêm trọng hơn, đây có thể là một yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư.
Bệnh viêm họng mãn tính có chữa được không?
Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đi đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tai mũi họng thăm khám. Viêm họng mãn tính cần được xác định rõ ràng các nguyên nhân và điều trị dứt điểm các bệnh lý tiên phát gây ra bệnh viêm họng mạn, kết hợp với các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ để giảm thiểu khó chịu cho người bệnh và kéo dài khoảng thời gian tái phát.
Cách chữa viêm họng mãn tính
Nguyên tắc tiên quyết trong điều trị viêm họng mãn tính là xử lý triệt để các ổ viêm. Các ổ viêm này có thể nằm ở mũi xoang, amydal… Tăng cường sự lưu thông của mũi do các nguyên nhân vẹo vách mũi, quá phát cuốn, polype mũi.
Điều trị tốt bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với khói bụi, các chất hóa học, không hút thuốc, uống rượu. Tập luyện thể dục thể thao đều đặn vừa sức mình và theo sở thích cá nhân.
Viêm họng mãn tính uống thuốc gì?
Thuốc trị viêm họng mãn tính có thể sử dụng là các thuốc long đờm, chống viêm, chống dị ứng. Các thuốc này có tác dụng làm biến đổi cấu trúc của đờm khiến bệnh nhân dễ khạc ra ngoài, giảm sưng đau, giảm ho.
Tuy nhiên thuốc này cần được các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng kê đơn. Người bệnh không nên tự ý ra hiệu thuốc mua về uống để tránh những tác dụng không mong muốn.
Ngoài ra bệnh nhân có thể sử dụng thêm các siro ho có từ thảo dược. Thuốc có tác dụng long đờm làm dịu họng và có tính sát khuẩn nhẹ. Dùng thuốc hỗ trợ thêm trong việc điều trị viêm họng mãn tính.
Chữa viêm họng mãn tính tại nhà
Tại nhà người bệnh nên súc họng bằng các dung dịch BBM, nước muối sinh ly 0.9%, chấm họng bằng SMC hoặc khí dung họng bằng thuốc kháng viêm kê theo đơn của bác sĩ. Vệ sinh rửa mũi họng thường xuyên nhằm phòng tránh nhiễm khuẩn thứ phát tại họng.
Thay đổi chế độ sinh hoạt sống, tránh tiếp xúc với khói bụi, các chất ô nhiễm. Tập thể dục thể thao đều đặn. Ăn uống đầy đủ, kiêng bia rượu, thuốc lá. Bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, D, E để tăng cường sức đề kháng.
Viêm họng mãn tính là bệnh có thể phòng và điều trị được nếu mọi người biết được căn nguyên bệnh sinh. Khi mắc bệnh, người bệnh nên tuân thủ tốt lời khuyên của bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh.