Khoảng thời gian giao mùa giữa mùa thu đông hay đông xuân là kiểu thời tiết lý tưởng phát sinh các bệnh về đường hô hấp đặc biệt là viêm họng cấp. Đây là tình trạng bệnh dễ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng, tránh biến chứng về sau này
Viêm họng cấp là gì?
Viêm họng cấp tính là tình trạng tổn thương viêm niêm mạc và dưới niêm mạc các cấu trúc tại họng. Ngoài ra tình trạng này thường xảy ra cùng lúc với viêm Amidan khẩu cái, viêm Amidan dưới lưỡi gây nên tình trạng bệnh viêm họng – Amidan cấp.
Bệnh thường gặp ở người già và trẻ nhỏ – những người có sức đề kháng yếu hoặc là sức đề kháng chưa được hoàn chỉnh. Ngoài ra cũng có thể gặp ở những người suy giảm hệ miễn dịch như HIV.
Mùa đông là mùa thường gặp nhiều trường hợp viêm họng cấp nhất do tính chất thời tiết lạnh và dễ làm tổn thương các tổ chức niêm mạc và dưới niêm mạc tại họng.
Triệu chứng viêm họng cấp
Viêm họng cấp có những triệu chứng điển hình và không khó để phát hiện ra khi bị mắc bệnh. Bệnh cảnh của viêm họng cấp tính thường xảy ra đột ngột, tiến trình xuất hiện bệnh nhanh và rầm rộ.
Toàn trạng
Sốt cao liên tục từ 39 – 40 độ, sốt rét run, hạch góc hàm, hạch ngoại biên lân cận khác có thể sưng đau, ê ẩm người, mệt mỏi, chán ăn,…
Triệu chứng cơ năng
- Những bệnh nhân viêm họng cấp sẽ xảy ra tình trạng đau họng, ăn uống khó khăn, há miệng hay nhai có thể sẽ đau lan ra tai.
- Ho khan hoặc ho có đờm, đờm trắng hay vàng tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh. Có thể xuất hiện ho từng cơn hay ho liên tục.
- Nếu bệnh nhân bị viêm họng cấp do vi khuẩn thì dịch tiết sẽ có màu vàng, xanh, đặc… còn nguyên nhân do virus thì dịch tiết thường là trắng loãng.
Triệu chứng thực thể
- Soi họng có thể phát hiện toàn bộ tổ chức tại họng hoặc lân cận có hiện tượng sưng đỏ, xuất tiết, mao mạch nổi.
- Tổ chức Amidan quá phát, có thể kèm theo mủ nếu nguyên nhân là do vi khuẩn.
- Hạch góc hàm, hạch ngoại vi lân cận sưng đau.
- Thành trước và thành sau họng sưng đỏ.
Triệu chứng viêm họng cấp tính mặc dù khá rõ ràng và dễ nhận biết. Tuy nhiên có thể các triệu chứng này sẽ nhầm lẫn với 1 số các loại bệnh như viêm niêm mạc miệng hay dị vật tại chỗ, hoặc dễ nhầm giữa bệnh viêm họng cấp do vi khuẩn và virus.
Cần phải thăm khám cẩn thận để tránh nhầm lẫn phòng tránh việc điều trị sai phác đồ, dẫn đến hiệu quả điều trị không cao, gây tốn kém.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng cấp tính
Tác nhân gây ra viêm họng cấp bao gồm:
- Virus: Khoảng 80% nguyên nhân gây ra viêm họng cấp xuất phát từ các loại virus có ở ngoài môi trường. Virus gây bệnh với tỉ lệ cao nhất là Adenovirus, tiếp đến là các loại virus khác thường thấy như virus Cúm, Herpes, Zona, Influenzae,…
- Vi khuẩn: Người bị viêm họng cấp do vi khuẩn thường là tình trạng thứ phát sau khi bị nhiễm virus nhưng không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả. Người bị vi khuẩn bội nhiễm chỉ chiếm 20% trong số các bệnh nhân viêm họng. Một số các loại vi khuẩn thường gặp như: Liên cầu, tụ cầu, Haemophilus Influenzae, vi khuẩn kị khí,…
- Bệnh sinh viêm họng cấp: Khi thời tiết thay đổi đặc biệt là mùa lạnh, hanh khô xuất hiện các loại virus gây bệnh. Sau đó, do độc tố của virus cũng như sức đề kháng của cơ thể, có thể bội nhiễm vi khuẩn và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Lúc này điều trị sẽ phức tạp hơn do phải dùng kháng sinh. Ngoài ra bệnh viêm họng cấp có thể lây qua đường thở, dịch tiết mũi, họng,…
Phác đồ điều trị viêm họng cấp
Hướng điều trị
- Nâng cao thể trạng, bảo vệ vùng hầu họng.
- Kháng sinh không được ưu tiên lần đầu khi tiếp cận 1 bệnh nhân bị viêm họng cấp.
- Điều trị triệu chứng: Thuốc kháng viêm, giảm đau hạ sốt.
- Điều trị tại chỗ: Thuốc bôi, khí dung, súc họng.
Điều trị cụ thể
- Điều trị không dùng thuốc: Ở những bệnh nhân viêm họng cấp, cần bổ sung nước ấm thường xuyên tránh khô cổ họng như: Cứ 5p, nhấp 1 ngụm nước ấm, uống liên tục trong ngày. Giữ ấm vùng hầu họng trong những ngày thời tiết hanh khô, lạnh. Ở những bệnh nhân có sốt cao thì cần để thông thoáng cơ thể, nới lỏng quần áo, thường xuyên chườm mát các bộ phận như trán, bẹn, nách để hạ nhiệt. Những bệnh nhân đờm đặc nhiều thì thường xuyên vỗ rung 15p – 30p / lần,liên tục trong ngày.
- Nâng cao thể trạng: Bổ sung các yếu tố vi lượng khoáng chất, vitamin, đồ ăn thanh đạm,… để nâng cao sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật.
- Điều trị tại chỗ: Khí dung bằng các loại kháng viêm Pulmicort, hoặc các loại tinh dầu bạc hà để khơi thông đường mũi họng.
- Điều trị đường toàn thân: Các loại kháng sinh nhóm Beta lactam như Amoxicillin, Cephalosporin thế hệ 1, 2 (Cephalexin, Cefuroxim, …) được ưu tiên sử dụng cho các trường hợp vi khuẩn bội nhiễm.
- Với các bệnh nhân viêm họng cấp do virus thì không ưu tiên sử dụng kháng sinh mà sẽ điều trị triệu chứng kết hợp với nước muối sinh lý để súc họng.

Trên đây là những điều cần lưu ý về bệnh viêm họng cấp – một bệnh không nguy hiểm nhưng rất thường xuyên xảy ra ở nước ta. Qua bài viết này, mọi người có thể hiểu thêm về bệnh, có những biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.