Triệu chứng trẻ bị viêm phổi thường xuất hiện vào những thời điểm giao mùa. Ở nước ta thời gian mắc bệnh viêm phổi nhiều nhất vào những tháng giao mùa tháng 4, tháng 5, tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Tỉ lệ trẻ mắc bệnh tăng nhanh và xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi.
Cách nhận biết trẻ bị viêm phổi
Trẻ em là một đối tượng bệnh nhân đặc thù vì các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển một cách toàn diện. Biểu hiện lâm sàng của của trẻ rất thay đổi phụ thuộc vào độ tuổi, cơ địa của bệnh nhân và tác nhân gây bệnh.

Viêm phổi thường diễn tiến qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát: trẻ xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như: sốt từ nhẹ đến vừa, sổ mũi, ho, nhức đầu hoặc quấy khóc ở trẻ nhỏ. Ngoài ra trẻ nhỏ còn có thể xuất hiện: nôn, trớ, biếng ăn, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy…
- Giai đoạn toàn phát: trẻ biểu hiện đầy đủ các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi. Sốt từ nhẹ đến cao, mệt mỏi, quấy khóc, nhức đầu, ớn lạnh, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau bụng. Ho khan sau đó ho có đàm, đau ngực khi hít vào, thở nhanh, khó thở có thể dẫn tới suy hô hấp.
Nguyên nhân trẻ bị viêm phổi
Tác nhân gây viêm phổi chính cho trẻ em là virus. Chúng có thể tạo ra những ổ dịch trong cộng đồng. Hầu hết viêm phổi trẻ em do virus lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, qua các giọt chất tiết lớn hoặc qua các hạt khí dung.
Virus chiếm khoảng 85% nguyên nhân gây bệnh cho trẻ em ở Mỹ. Các virus này có thể kể đến virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm A, cúm B, á cúm, Adenovirus, Picornavirus…
Vi khuẩn cũng đóng vai trò không nhỏ trong các tác nhân gây viêm phổi trẻ em. Viêm phổi trẻ em do vi khuẩn thường có diễn biến nhanh, rầm rộ, gây ra nhiều biến chứng và để lại hậu quả rất nghiêm trọng thậm chí có thể gây tử vong.
Điển hình có thể kể đến liên cầu khuẩn nhóm B, phế cầu, Haemophilus influenzae typ B, staphylococcus, streptococcus nhóm A, ho gà hay lao cũng là những vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Ngoài ra nhóm vi khuẩn Mycoplasma, Klebsiella, Pseudomonas, Chlamydia, E.Coli là những nhóm vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình tại cộng đồng.
Thêm vào đó các yếu tố môi trường, cơ địa quá mẫn, các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc điều trị lao, thuốc chống ung thư và tia phóng xạ cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Một số trường hợp trẻ sau hít, sặc dịch vị, thức ăn, dị vật, dầu hôi… cũng xuất hiện viêm phổi. Vì vậy các ông bố bà mẹ nên tránh để con tiếp xúc với các yếu tố này dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Điều trị trẻ bị viêm phổi
Khi trẻ có các dấu hiệu trên bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Nguyên tắc điều trị chung của viêm phổi ở trẻ em là dùng kháng sinh cho các chủng vi khuẩn đặc hiệu bằng nuôi cấy kháng sinh đồ.
Kháng sinh được sử dụng trong 5-7 ngày. Tại nhà, bố mẹ nên tuân thủ cho con uống đúng, đủ liều lượng và đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi trẻ có sốt bố mẹ nên dùng nước ấm chườm nách, bẹn… giúp con thải nhiệt song song với việc dùng thuốc hạ sốt. Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38.5oC cách nhau 4-6 giờ. Không nên cho trẻ uống liên tục thuốc hạ sốt vì có thể làm tổn thương gan.
Với các trường hợp viêm phổi do virus thì kháng sinh hoàn toàn không được sử dụng, thay vào đó có thể cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus theo đơn của bác sĩ. Điều trị viêm phổi trẻ em do virus thì việc nâng cao sức đề kháng của trẻ là yếu tố then chốt.
Ngoài ra cần theo dõi sát các dấu hiệu về nhịp thở, thở gấp, tím tái vì đó là những dấu hiệu đầu tiên của suy hô hấp. Việc điều trị viêm phổi trẻ em có biến chứng suy hô hấp cần được thực hiện tại các đơn vị chuyên khoa nhi hoặc hồi sức cấp cứu nhi khoa. Đây là biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vọng.
Chăm sóc trẻ bị viêm phổi
Cho trẻ ăn uống bình thường khi bệnh, không nên kiêng cữ, cho ăn thêm một bữa ăn sau khi lành bệnh. Làm thông mũi trước khi cho ăn, cho bú. Cho trẻ uống đủ nước, trẻ nhỏ tăng cường bú mẹ vì sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng dồi dào mà còn bổ sung nước và kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật.
Bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm có nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi, quýt… giúp tăng cường sức đề kháng, bổ sung nước và điện giải.

Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn nhẹ. Làm dịu họng, giảm ho bằng các phương pháp thông thường như uống trà đường mật, mật ong, hoặc các thuốc ho đông dược.
Giữ thoáng mát cơ thể cho trẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Tuy nhiên khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Trẻ mệt hơn
- Thở nhanh hơn
- Khó thở hơn
- Bú kém hoặc không uống được
Bố mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Tóm lại viêm phổi ở trẻ nhỏ là một bệnh lý phổ biến ở nước ta. Trong thời tiết giao mùa này bố mẹ nên giữ ấm và vệ sinh thường xuyên mũi họng cho trẻ. Giúp trẻ tránh được nguy cơ mắc bệnh vào thời điểm này.