Tìm hiểu về khớp vai và hiện tượng trật khớp vai
Một khớp vai bình thường được cố định và bao bọc bởi các dây chằng. Một khi gặp phải chấn thương thì dây chằng sẽ bị giãn ra đột ngột khiến cho hai mặt khớp ở chỏm xương cánh tay trật ra khỏi hốc xương.
Cấu tạo khớp vai bao gồm:
- Một trụ cầu (phần xương cánh tay đầu khớp hình cầu)
- Hõm chứa (rãnh cầu của xương bả vai) đầu cầu.

Nếu một người bị trật khớp vai nhiều lần, các dây chằng sẽ bị giãn ra hoặc nghiêm trọng hơn sẽ bị đứt khiến cho hệ thống cố định ở khớp mất đi độ vững vàng. Khi đó, hệ thống sụn viền cùng với dây chằng quanh khớp bị tổn thương nặng. Trong thực tế, khớp vai thường bị trật hướng ra đằng trước, đằng sau hoặc hướng xuống dưới, trật khớp một phần hoặc hoàn toàn.
Các cơn đau khi bị trật khớp vai khiến những vận động ở vai bị kìm hãm. Bởi vì khớp vai là một khớp có tầm hoạt động rất rộng, lớn nhất trong các khớp khác ở trên cơ thể. Khớp vai có tác dụng lớn trong việc đảm bảo các hoạt động linh hoạt, vận động khéo léo của cơ thể như: việc giữ thăng bằng, ném, cầm, nắm,…
Triệu chứng trật khớp vai
Các triệu chứng dấu hiệu biểu hiện phổ biến của trật khớp vai gồm có:
- Biến dạng ở khớp bị tổn thương, có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường
- Tình trạng sưng, bầm tím khu vực vai và cánh tay
- Đau dữ dội khi người bệnh cố vận động
- Giảm khả năng di chuyển khớp
- Co giật, tê, yếu vùng cánh tay, ngón tay, bàn tay
- Biên độ vận động của khớp vai giảm mạnh, nếu trật khớp nặng sẽ mất hoàn toàn vận động khiến bệnh nhân không thể cử động được
- Cánh tay không thể duỗi thẳng tự nhiên, thông thường bị dạng 30 – 40 độ xoay ra ngoài
- Cơ bắp ở vai thường xuyên bị co thắt, đau đớn dữ dội
- Khớp vai bị trật cũng thường bị tê yếu, ngứa ran xung quanh vùng chấn thương (cổ, dưới cánh tay).
Ngoài ra người bị trật khớp vai cũng có thể gặp một số triệu chứng khác không được đề cập ở đây. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào bất thường, bạn hãy liên hệ với bác sĩ để được điều trị.

Nguyên nhân trật khớp vai
Thông thường phải có một lực cực mạnh, như một va chạm bất ngờ tác động trực tiếp vào khớp vai kéo xương ra khỏi vị trí mặc định của nó. Nếu như bạn xoay cực khớp vai quá mạnh, vượt quá mức giới hạn của nó cũng có thể làm bật đầu xương cánh tay ra khỏi hõm vai.
Một số nguyên nhân thường gặp gây ra trật khớp vai, gồm:
- Tai nạn giao thông: một tai nạn khi đang tham gia giao thông là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trật khớp vai
- Tai nạn lao động: những công việc lao động nặng, phải nâng, bê, vác, gánh những đồ vật bằng cổ vai gáy sẽ có nguy cơ trật khớp vai cao
- Chấn thương gặp phải khi luyện tập thể dục, thể thao: các môn thể thao mang tính đối kháng cao như như bóng đá, bóng chuyền, vật, khúc côn cầu rất dễ gây trật khớp vai. Ngoài ra bạn cũng nên cẩn thận khi chơi các môn thể thao mạo hiểm rất dễ té ngã như xe đạp địa hình, trượt tuyết đổ đèo, lướt ván, patin,…
- Té ngã: Vấp ngã khi chạy nhảy, nô đùa thường hay gặp ở trẻ em, bạn có thể bị ngã từ cầu thang xuống hoặc khi sàn nhà trơn trượt. Đặc biệt những người cao tuổi nên cẩn thận tránh bị ngã trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra những khu vực bị ảnh hưởng, sưng, biến dạng. Một điều có vai trò quan trọng là bạn cần cung cấp cho bác sĩ biết được nguyên nhân chính xác mà bạn gặp phải gây trật khớp vai. Ngoài ra bác sĩ sẽ hỏi bạn đã từng bị trật khớp vai trước đây hay chưa.
Thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chụp X-quang các khớp quanh vùng vai để xem xét những xương bị gãy hay các tổn hại xương khớp khác vùng vai.
Trật khớp vai và cách điều trị

Một số phương pháp phổ biến thường được sử dụng để điều trị trật khớp vai bao gồm:
- Nắn trật khớp vai: biện pháp này thường được áp dụng với những trường hợp trật khớp nhẹ, bác sĩ sẽ thử một số thao tác nhẹ để giúp xương vai trở về vị trí ban đầu của nó. Tùy thuộc vào mức độ đau, sưng, mà người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc giãn cơ hay thuốc an thần. Bác sĩ sẽ không cần phải gây mê bệnh nhân khi tác động vào xương vai. Khi xương khớp vai trở lại vị trí ban đầu, các triệu chứng đau sẽ được cải thiện ngay lập tức.
- Phẫu thuật: người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật nếu như một khớp vai hoặc dây chằng yếu có khả năng mắc lại trật khớp vai mặc dù đã được phục hồi, tăng cường chức năng. Trong các trường hợp hiếm gặp, người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật nếu dây thần kinh, mạch máu bị tổn thương.
- Cố định: bác sĩ sẽ sử dụng một thanh nẹp hoặc băng đeo để giúp giữ vai ổn định trong một vài ngày đến khoảng ba tuần sau. Thời gian đeo nẹp cố định hoặc băng bột còn phụ thuộc vào tình trạng trật khớp vai nhiều hay ít.
- Thuốc: bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ để giúp bệnh nhân thấy thoải mái hơn trong thời gian hồi phục.
- Phục hồi chức năng: khi tháo nẹp vai hay gỡ bỏ băng đeo, người bênh sẽ cần thực hiện các phương pháp giúp khôi phục khả năng vận động và sức mạnh cho khớp vai.

Các phương pháp giúp kiểm soát và hồi phục chức năng khớp vai sau trật khớp:
- Giảm các hoạt động vùng vai: bạn không nên lặp lại các hành động làm tăng nguy cơ trật khớp, cố gắng tránh các cử động gây ra sự đau đớn. Hạn chế tối đa việc nâng vật nặng, đưa tay lên cao quá đầu cho tới khi khớp vai được cải thiện.
- Chườm lạnh và chườm nóng: chườm đá quanh vùng vai để giúp giảm viêm, đau. Bạn nên sử dụng túi lạnh, túi rau đông hay khăn đầy đá để chườm vết thương 15-20 phút. Thực hiện chườm lạnh lặp lại nhiều lần trong ngày, mỗi giờ một lần trong 2 ngày đầu tiên. Khi cơn đau, viêm cải thiện, bạn hãy sử dụng miếng đệm hoặc khăn ấm để giúp thư giãn các cơ bắp đang bị co thắt và giúp giảm đau (mỗi lần dưới 20 phút).
- Duy trì sự linh hoạt của khớp: sau hai ngày, bạn cần thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng theo sự chỉ dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu. Việc này sẽ giúp duy trì phạm vi chuyển động ở vùng vai.
Trật khớp vai bao lâu thì khỏi
Đối với những các trường hợp khớp vai mới bị trật (từ 1 đến 3 lần) thì áp dụng kỹ thuật mổ sẽ đơn giản và bệnh nhân phục hồi cũng tốt hơn. Trường hợp để trật khớp vai quá nhiều lần thì kỹ thuật sẽ phức tạp hơn (ghép xương có thể được xem xét thực hiện) và sự phục hồi của người bệnh sẽ lâu hơn.
Mổ nội soi khớp đã có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt ở các khớp lớn của cơ thể như khớp vai, khớp gối… Đối với khớp vai, nội soi khớp có thể giải quyết hoàn toàn những thương tổn. Ngoài ra sẹo mổ thẩm mỹ cùng thời gian nằm viện ngắn (1,2 ngày) sẽ giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn khi phẫu thuật
Sau khi tiến hành mổ nội soi trật khớp vai, bệnh nhân sẽ cần tập vật lý trị liệu và hồi phục dần sau 6 – 8 tháng là có thể hồi phục gần như hoàn toàn.
Trật khớp vai nên ăn gì
Khi bị trật khớp vai người bệnh cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng vì nó có ảnh hưởng lớn tới thời gian phục hồi. Sau đây là những loại thực phẩm mà người bị trật khớp nói chung, trật khớp vai nói riêng nên bổ sung trong thực đơn hàng ngày.
- Thực phẩm giàu chất canxi
- Cà chua
- Ngũ cốc
- Thực phẩm giàu chất mangan
- Thực phẩm giàu chất kali
- Thịt và xương ống