Tiểu đêm (đái dầm hay chứng di niệu) là hiện tượng phổ biến ở trẻ em. Tiểu đêm có thể là sinh lý (thường sẽ giảm dần và hết trước khi trẻ được 5 tuổi), hoặc bệnh lý (do stress tâm lý hoặc nguyên nhân từ các hệ thống cơ quan trong cơ thể).
Hiện tượng đái dầm ở trẻ em
Tiểu đêm (đái dầm) ở trẻ em là vấn đề đau đầu với không ít các bậc phụ huynh. Hiện tượng này có thể được coi là sinh lý, có xuất hiện ở cả những trẻ khỏe mạnh. Cùng với sự phát triển về thể chất và tinh thần, tiểu đêm thường sẽ biến mất hoàn toàn khi trẻ được 5 tuổi.
Ngoài những phiền toái thường nhật phải đối mặt và những biện pháp khoa học giúp đỡ trẻ trong giai đoạn này, các bậc cha mẹ có thể yên tâm về sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên nếu tiểu đêm do một nguyên nhân bệnh lý về thể chất hoặc tinh thần, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để phát hiện sớm nguyên nhân và được điều trị kịp thời. Dấu hiệu cần chú ý là
- Trẻ có tiểu đêm kéo dài (sau 5 tuổi)
- Tiểu đêm kèm theo tiểu rắt, tiểu buốt, hay bất kì dấu hiệu nhiễm khuẩn nào như sốt, chán ăn, nặng nề hơn là phù, sụt cân, khát nước
- Tiểu đêm thứ phát (ví dụ trẻ chưa từng tiểu đêm cho đến 3 tháng gần đây)…
Tất cả những dấu hiệu như trên đều gợi ý đến một bệnh lý tiềm ẩn không được phép bỏ qua.
Nguyên nhân tiểu đêm ở trẻ em
Ở nhóm thứ nhất, tức là tiểu đêm sinh lý, nguyên nhân đơn giản là hệ thống phản xạ thần kinh của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện. Bình thường khi bàng quang đầy nước tiểu sẽ phát tín hiệu lên não bộ.
Tại trung tâm xử lý tín hiệu ở não, phản xạ ở người lớn khỏe mạnh sẽ là đi đến nhà vệ sinh một cách rất “xã hội”, cuối cùng cơ thắt bàng quang mới giãn đẩy nước tiểu ra ngoài. Ở trẻ, cung phản xạ trên chưa hoàn thiện do trẻ nhỏ vẫn đang trong quá trình học hỏi từ “xã hội”.
Bởi vậy trẻ có thể “tè dầm”, có thể ngay cả khi trẻ thức. Khi trẻ ngủ, mọi hệ thống trong cơ thể đều nghỉ ngơi thư giãn tối đa, vì vậy cung phản xạ trên, vốn chưa hình thành đầy đủ, lại càng khó phát huy. Đây là lý do vì sao phần lớn các “tai nạn” đều xảy ra vào ban đêm khi trẻ ngủ.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa của tiểu đêm sinh lý, đó là tiểu đêm với các bạn nhỏ tuổi dậy thì. Do thay đổi hormone làm cho nước tiểu sản xuất nhiều hơn vào ban đêm mà hệ tiết niệu và thần kinh chưa thích nghi kịp.
Ở tuổi này, “cái tôi” rất lớn, các em có thể mặc cảm, stress, làm tình trạng tiểu đêm càng nặng nề, tạo thành một vòng xoắn bệnh lý rất nan giải với cả đứa trẻ và phụ huynh.
Nhóm thứ hai là tiểu đêm do bệnh lý. Ở nhóm này có ba mảng lớn là nguyên nhân về thể chất và về tâm lý.
Bất kì một stress nào cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống phản xạ của con người, mà biểu hiện dễ nhận thấy nhất là khi ngủ say. Người ta có thể ngủ ngáy, ngủ không ngon giấc, ác mộng, vã mồ hôi, “bóng đè”… và ở trẻ em là tiểu đêm.
Khi một đứa trẻ tiểu đêm kéo dài đến sau 5 tuổi kèm theo một số dấu hiệu như trên thì có thể cần tìm hiểu về cuộc sống gia đình, xã hội của đứa trẻ đó để tìm ra nguyên nhân.
Những nguyên nhân về thể chất phổ biến nhất là những bệnh lý của hệ tiết niệu. Những nguyên nhân này bao gồm bàng quang nhỏ hoặc dị tật bàng quang (chẩn đoán dựa vào việc tiểu đêm từ nhỏ và kéo dài, kết hợp với chẩn đoán hình ảnh…), viêm nhiễm đường tiết niệu (tiểu đêm thứ phát, kèm theo tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt và các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, chán ăn, bạch cầu tăng…).
Ngoài ra cũng có thể do nguyên nhân thần kinh, gen di truyền. Nếu là nguyên nhân bệnh lý, hiện tượng tiểu đêm sẽ kéo dài và ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ. Vì vậy cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.
Điều trị tiểu đêm ở trẻ em
Đối với tiểu đêm sinh lý và tiểu đêm do stress, điều trị tâm lý cho trẻ là rất quan trọng. Đóng bỉm cả ngày và/hoặc la mắng trẻ không giúp các bậc phụ huynh giải quyết được vấn đề.
Cha mẹ cần trò chuyện với trẻ, giúp trẻ giải tỏa những stress và thích nghi, hòa nhập với xã hội. Cho trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ. Đôi khi bác sĩ nhi khoa sẽ kê thuốc chống trầm cảm nếu cần thiết.

Tiểu đêm do bệnh lý như viêm nhiễm cần một lộ trình điều trị chuyên khoa sâu. Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa nhi, từ đó sẽ được định hướng tiếp tục điều trị theo nguyên nhân thần kinh, nội tiết hay thận – tiết niệu.
Ngoài ra, trong y học cổ truyền có những bài thuốc trị tiểu đêm hiệu quả. Kết hợp với những món ăn thường ngày như long nhãn, mật ong… có thể hỗ trợ trị tiểu đêm cho trẻ.
Phụ huynh cần phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường nếu trẻ tiểu đêm thứ phát hoặc kéo dài để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Cuối cùng, trong bất kì trường hợp nào, trẻ em cần một môi trường lành mạnh, tâm lý thoải mái để phát triển. Một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi hợp lý luôn cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và góp phần trị tiểu đêm ở trẻ em hiệu quả.