Hiện tượng tiểu buốt có mủ đã không còn hiếm gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, chúng ta lại rất chủ quan, không chú ý để có thể phát hiện sớm, nhằm điều trị kịp thời, dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng. Vậy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ hơn về tiểu buốt có mủ.
Tiểu buốt có mủ là hiện tượng gì?
Tiểu buốt là hiện tượng đi tiểu đau buốt như kim châm, khiến cho người bệnh rất khó chịu. Tuy nhiên, tùy mức độ bệnh khác nhau mà dấu hiệu biểu hiện cũng sẽ khác nhau.
Nếu bạn đột nhiên bị tiểu buốt, có thể đây chỉ là dấu hiệu viêm nhiễm tạm thời. Nhưng nếu triệu chứng tiểu buốt kéo dài quá hai ngày thì rất có thể đường tiết niệu của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Đi tiểu có mủ là hiện tượng xuất hiện mủ trong nước tiểu khi đi vệ sinh. Mủ này là do xác của bạch cầu và vi khuẩn tạo nên. Có những trường hợp chúng ta có thể quan sát mủ bằng mắt thường nhưng cũng có những trường hợp cần phải xét nghiệm nước tiểu mới có thể kết luận trong nước tiểu có mủ hay không.
Tình trạng đi tiểu buốt có mủ này xuất hiện ở cả nam và nữ với những dấu hiệu khác nhau và nam giới thì thường nặng hơn.
Nguyên nhân tiểu buốt có mủ
Trường hợp bạn bị ở mức độ nhẹ thì nguyên nhân có thể là do chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt như vệ sinh không sạch sẽ, hay nhịn tiểu, uống ít nước. Trong trường hợp này, tiểu buốt có mủ sẽ tự hết sau một vài ngày.
Nhưng nếu triệu chứng kéo dài và có xu hướng ngày càng nặng thì nguyên nhân gây ra là bởi những vi khuẩn hay nấm có hại xâm nhập vào cơ thể. Điển hình là một số vi khuẩn sau:
Neisseria Gonococcus
Vi khuẩn Neisseria gonococcus là nguyên nhân gây ra bệnh lậu và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tiểu buốt kèm theo có mủ. Vi khuẩn này thường có ở âm đạo, cổ tử cung, hậu môn và nhất là trong đường niệu đạo của nam giới.
Khi mắc bệnh lậu, hầu hết các trường hợp sẽ bị viêm niệu đạo với các biểu hiện như:
- Tiết dịch nhầy, mủ đặc vào sáng sớm
- Tiểu buốt, tiểu khó và có cảm giác nóng bỏng khi nước tiểu đi qua
- Máu có thể lẫn trong nước tiểu
Chlamydia
Vi khuẩn chlamydia gây ra các bệnh như viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt và các bệnh nhiễm trùng khác.
Khi mắc các bệnh này, người bệnh sẽ có biểu hiện tiểu buốt và có mủ.
Bệnh do chlamydia rất dễ điều trị nhưng nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm thì sẽ để lại những biến chứng rất nguy hiểm.
Các vi khuẩn khác
Bên cạnh đó, các vi khuẩn khác như Trichomonas, Candida hay E.coli cũng gây ra một số bệnh như viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tiểu buốt kèm theo có mủ.
Tiểu buốt ra máu, có mủ nguy hiểm không?
Tiểu buốt có mủ sẽ trở nên nguy hiểm nếu kèm theo tiểu ra máu. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng rất nghiêm trọng.
Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đang mắc một trong số những bệnh sau:
- Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu: Hay gặp gặp nhất là nhiễm trùng niệu đạo và nhiễm trùng bàng quang. Trường hợp nhiễm trùng ảnh hưởng đến thận sẽ nguy hiểm hơn. Người bệnh dễ đau thắt lưng, đau vùng chậu, sốt, ớn lạnh hay buồn nôn.
- Thận bị tổn thương: Khi thận bị tổn thương thì chức năng thận sẽ suy giảm, gây cản trở quá trình bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể, làm ứ đọng chất thải trong máu, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
- Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang: Đây cũng là một trong những bệnh dẫn đến tình trạng tiểu buốt ra máu. Khi sỏi hình thành và phát triển sẽ làm đường tiểu bị tắc nghẽn hay chèn ép. Sỏi cũng có thể ma sát làm cho niêm mạc bị viêm, loét và nhiễm khuẩn gây chảy máu và nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm bàng quang cấp, viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận.
- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính: Tuyến tiền liệt sẽ mở rộng và gây chèn ép niệu đạo, làm khó tiểu, tiểu buốt, tiểu không hết hay đi tiểu ra máu.
- Ung thư: Tiểu buốt ra máu, mủ có thể là tình trạng bệnh xuất hiện khi ung thư thận, ung thư bàng quang hay ung thư tuyến tiền liệt.
Cách điều trị tiểu buốt có mủ
Để có thể điều trị đúng cách bạn cần đi khám, làm xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh.
Nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn thì có thể sử dụng kháng sinh. Tùy từng loại nhiễm khuẩn khác nhau mà kháng sinh sử dụng sẽ khác nhau, ví dụ: Nếu nhiễm Neisseria Gonococcus sử dụng Ceftriaxone, nhiễm Chlamydia uống Azithromycin. Lưu ý, cần điều trị theo phác đồ qui định và phải điều trị cả bạn tình.
Nguyên nhân là do sỏi bàng quang hay sỏi thận thì có thể điều trị bằng sóng xung kích.
Ngoài ra, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như bổ sung đủ nước hàng ngày, ăn nhiều rau quả, giữ vệ sinh sạch sẽ.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất mà bạn cần biết về hiện tượng tiểu buốt có mủ kèm theo. Hãy đi khám ngay khi phát hiện có những dấu hiệu này, tránh để tình trạng bệnh nặng gây những biến chứng nguy hiểm.