Teo cơ là hiện tượng kích thước một số bó cơ bị teo nhỏ, gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sức khỏe bệnh nhân. Phần đông những người bị teo cơ đều do ảnh hưởng từ các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống,.. Vậy làm thế nào để điều trị chứng bệnh này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau.
Teo cơ là như thế nào?
Teo cơ là tình trạng một số bó cơ bị thu nhỏ kích thước và giảm khối lượng so với trạng thái ban đầu. Phần lớn các vị trí bị teo cơ sẽ xuất hiện ở các bộ phận như tay và chân.
Ngoài ra, khi mắc bệnh này, các chi liên quan sẽ bị yếu sức, dẫn đến việc suy giảm khả năng vận động, từ đó khiến người bệnh không thể sinh hoạt bình thường.
Triệu chứng teo cơ
Các triệu chứng teo cơ có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tự phát hiện từ sớm khi thấy khả năng vận động của bản thân suy giảm. Dưới đây là một số triệu chứng teo cơ điển hình:
- Kích cỡ của bó cơ dần teo nhỏ.
- Bộ phận bị teo cơ có kích cỡ và trọng lượng nhỏ hơn so với bên đối xứng.
- Tại bộ phận bị teo cơ, khả năng vận động suy giảm.
- Một số trường hợp nặng, người bệnh không thể cử động bộ phận bị teo cơ.
Nguyên nhân teo cơ
Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng khiến cơ thể thiếu protein trầm trọng. Lúc này, các bó cơ sẽ bị yếu dần và kém khả năng vận động. Lâu ngày, việc không được cấp đủ dinh dưỡng cộng với việc ít vận động sẽ làm bó cơ dần bị teo nhỏ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng teo cơ, chủ yếu xuất phát từ thói quen ăn uống không đủ chất hoặc điều kiện cuộc sống thiếu thốn. Ngoài ra, người bệnh có thể bị ảnh hưởng từ các loại thuốc hóa trị dẫn tới tình trạng kén ăn và thiếu chất.
Một số trường hợp khác, người bệnh bị suy dinh dưỡng do bẩm sinh. Tuy bệnh nhân ăn uống bình thường nhưng cơ thể vẫn không hấp thụ được lượng dinh dưỡng chứa trong thực phẩm.
Mắc các bệnh về hệ thần kinh
Hệ thần kinh suy yếu làm các chức năng cảm giác, vận động, cảm xúc không hoạt động ổn định. Từ đó, dây thần kinh không thể điều khiển các bó cơ vận động như bình thường. Lâu ngày, bó cơ dần mất chức năng và bị teo nhỏ.
Các bệnh về thần kinh thường gây nên triệu chứng teo cơ bao gồm: bại não, viêm dây thần kinh, viêm tủy sống,…
Mắc một số loại bệnh đặc biệt phải nằm yên trong thời gian dài
Khi cơ thể không may mắc phải một số bệnh đặc biệt như ung thư, bội nhiễm giai đoạn nặng, viêm cứng khớp,… sẽ có nguy cơ bị teo cơ cao. Nguyên nhân là do người bệnh thường phải nằm yên một chỗ hoặc hạn chế cử động, từ đó khiến các bó cơ mất dần chức năng vận động.
Mắc các bệnh về xương khớp
Tương tự như trên, bệnh xương khớp sẽ gây nên rất nhiều biến chứng sang các bộ phận khác trên cơ thể như các bó cơ. Những loại bệnh về xương khớp có khả năng gây nên tình trạng teo cơ gồm thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hoá cột sống,…
Khi mắc các bệnh này, đốt xương hoặc đĩa đệm bị mất trạng thái cân bằng sẽ chèn ép lên dây thần kinh vận động. Từ đó, các bó cơ không thể nhận được xung lệnh và dần teo nhỏ.
Chẩn đoán teo cơ
Khi bắt đầu chẩn đoán, các bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân. Lúc này, người bệnh nên thông báo với bác sĩ tất cả các triệu chứng mình đang gặp phải và những bệnh lý nghiêm trọng đã từng mắc trước đó.
Sau khi thu thập các triệu chứng và tiểu sử bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cụ thể. Việc xét nghiệm sẽ cho thấy mức độ và phạm vi của các tổn thương trên bó cơ. Từ đó, góp phần giúp việc điều trị trở nên chính xác và hiệu quả hơn.
Tuỳ vào các biểu hiện khi teo cơ, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm máu.
- Chụp X-Quang.
- Chụp CT.
- Chụp MRI.
- Đo điện cơ EMG.
- Sinh thiết thần kinh.
- Kiểm tra độ dẫn truyền của thần kinh.
Điều trị teo cơ
Trị liệu bằng sóng âm thanh
Khi người bệnh bị teo cơ, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống kết hợp với việc chữa trị bằng sóng âm thanh. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng sóng âm với tần số vừa đủ để tác động vào các bó cơ. Khi đó, sóng âm sẽ tác động vật lý vào sợi cơ và kích thích chúng hồi phục.
Phẫu thuật
Với trường hợp teo cơ do tổn thương gân hoặc suy dinh dưỡng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Khi bị teo cơ do 1 trong 2 nguyên nhân trên, các bó cơ, dây chằng, gân và da đang bị kéo căng. Lúc này, bằng các thủ thuật cần thiết, các bác sĩ phẫu thuật sẽ giúp giải quyết tình trạng căng cứng cơ quá mức trên cơ thể người bệnh.
Vật lý trị liệu
Khi vừa bắt đầu trị liệu, người bệnh chỉ cần tập các tư thế vận động vô cùng đơn giản. Trong giai đoạn này, các bài tập để khắc phục tình trạng teo cơ bao gồm nâng gối, nâng tay, co duỗi cơ tối đa, kiễng chân, gập tay, gập chân, đi lại, nâng đồ vật,….
Khi tình trạng teo cơ đã dần cải thiện, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tập các bài thể dục khó hơn như đạp xe, bơi lội, yoga,…
Chế độ chăm sóc tại nhà
Khi bị teo cơ, người bệnh nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như protein, chất xơ, chất béo,… Mỗi ngày, ngoài các bữa chính người bệnh nên bổ sung thêm nhiều bữa phụ.
Kiểm soát teo cơ
Để bệnh teo cơ được kiểm soát, không bị phát triển nặng dẫn đến liệt, người bệnh nên thực hiện một số lưu ý dưới đây:
- Sử dụng các loại thức ăn có chứa nhiều protein.
- Bổ sung dồi dào calo để cung cấp đủ dưỡng chất cho các bó cơ.
- Ăn nhiều các loại hạt khô, dầu cá biển, dầu oliu để bổ sung các chất béo dễ hoà tan.
- Rèn luyện cơ thể bằng các bài tập thể dục, kích thích bó cơ hồi phục kích cỡ và khả năng vận động.
- Thường xuyên tái khám để khắc phục kịp thời.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng teo cơ. Ngoài gây cản trở việc sinh hoạt hằng ngày, teo cơ còn làm mất thẩm mỹ và khiến người bệnh tự ti. Vì vậy, ngay từ khi phát hiện triệu chứng bất thường, người bệnh nên tiến hành khám và điều trị càng sớm càng tốt.