Việc sơ cứu chấn thương cột sống cho người không may gặp tai nạn là vô cùng quan trọng và cần thực hiện nhanh chóng. Bởi nếu không xử lý kịp thời hoặc sai cách có thể làm tình trạng trầm trọng thêm, thậm chí là gây nguy hiểm tới tính mạng của nạn nhân. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để nắm bắt rõ hơn về vấn đề phức tạp này.

Sơ cứu chấn thương cột sống
Việc chăm sóc sơ cứu chấn thương cần đúng cách ngay từ khi xảy ra tai nạn cho đến khi bệnh nhân được chuyển về các bệnh viện chuyên khoa sẽ tránh được tổn thương thứ phát, góp phần làm tăng tỷ lệ phục hồi thần kinh.
Chính vì vậy, việc này đòi hỏi ở người sơ cứu cần có những kiến thức cơ bản để phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra.
Tùy vào loại tai nạn mà nạn nhân gặp phải, và tình hình khi nó xảy ra thì có thể phần nào xác định được chấn thương cột sống vùng cổ, vùng lưng hay cả hai.
Lúc này việc đầu tiên là cần gọi cứu thương ngay lập tức, sau đó tiến hành sơ cứu chấn thương đốt sống theo các bước như sau:
- Đặt nạn nhân nằm ở tư thế ngửa thẳng, đồng thời theo dõi tình trạng hô hấp.
- Di chuyển nạn nhân đúng cách với 4 người: 1 người đứng phía trên giữ trục cổ thân, tuyệt đối không được để phần cổ nạn nhân bị gập, 3 người còn lại đứng ở cùng bên nâng giữ từ vai cho đến gót của nạn nhân.
- Khi di chuyển phải cùng lúc theo hiệu lệnh của một người.
- Đặt nạn nhân lên một mặt phẳng cứng (tấm ván, băng ca…). Sau đó bất động tạm cột sống cổ bằng cách chêm hai túi cát ở hai bên cổ, nẹp cổ vải mềm. Lưu ý cột sống cổ phải luôn luôn được để trên trục thẳng so với cơ thể.

- Cố định nạn nhân vào mặt phẳng cứng ở phần trán, đai vai, đai hông và đai chân.
- Kiểm tra tình trạng của các vết thương trên người nạn nhân, nếu cần thiết phải nhanh chóng cầm máu.
Người sơ cứu tuyệt đối không được thực hiện những thao tác sau, nếu không sẽ gây nguy hiểm tới nạn nhân chấn thương cột sống:
- Xốc, vác, cõng nạn nhân.
- Khiêng, di chuyển bệnh nhân bằng ghế tựa thấp, võng, hoặc kê gối dưới đầu khiến cổ gập.
Vận chuyển bệnh nhân chấn thương cột sống
Khi đã sơ cứu chấn thương cột sống xong, tốt nhất là nên đợi xe cấp cứu tới để vận chuyển bệnh nhân chấn thương cột sống, bởi họ đã có kinh nghiệm xử lý và đủ vật dụng y tế cần thiết.
Không nên tự ý đưa nạn nhân tới bệnh viện để hạn chế tối đa những hậu quả xấu.

Đặc biệt, đã có một số trường hợp vì quá vội vàng nên mặc dù còn chưa sơ cứu nhưng đã đưa người bệnh đi ngay lập tức bằng các phương tiện như xe taxi, xe máy…
Điều này thực sự vô cùng nguy hiểm bởi nó khiến chấn thương của nạn nhân càng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí là gây ra tử vong.
Mổ chấn thương cột sống
Những trường hợp sau khi sơ cứu chấn thương cột sống mà tình trạng bệnh vẫn quá nặng cần phải thực hiện phẫu thuật ngay lập tức.
Phương pháp này có thể là ghép xương hoặc lắp các phương tiện kéo cột sống.
Tuy mục đích là để phần cột sống được vững trở lại nhưng đôi khi nó cũng gây ra một số ảnh hưởng xấu như: Cơ thể có phản ứng với những vật được đặt vào, có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, thời gian để bình phục hoàn toàn thường rất lâu…
Chăm sóc người bệnh chấn thương cột sống
Bệnh nhân sau khi đã trải qua phẫu thuật hoặc đang điều trị đều cần được chăm sóc một cách thật cẩn thận, đúng cách để có thể sớm bình phục, đồng thời cũng nhằm phòng tránh các ảnh hưởng xấu về lâu dài.
Người nhà phải nắm rõ những lưu ý khi chăm sóc người bệnh chấn thương cột sống sau đây:
- Theo dõi kỹ tình trạng của bệnh nhân:
Trong đó cần lưu ý tới vấn đề hô hấp để phòng ngừa mắc viêm phổi, và để ý kỹ càng tránh viêm loét da do nằm tại chỗ với một tư thế quá lâu.
Cách xử lý như sau: Nếu thấy đờm dãi cần nhanh chóng hút ngay; Cho người bệnh dùng nệm hơi chống loét, đồng thời không được để nằm nguyên một tư thế mà phải thay đổi 4 – 5 lần/ngày.
Kiểm tra thường xuyên những vị trí có dấu hiệu viêm loét để có cách xử trí phù hợp.
- Chú ý tới đường tiết niệu của bệnh nhân:
Phòng tránh cho người bệnh bị mắc viêm đường tiết niệu bằng cách cho uống đầy đủ 2l nước/ngày, thời gian đầu có thể ít hơn một chút để ổn định trước.
Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, nếu bệnh nhân có đặt sonde bàng quang thì cần thay sonde và túi đựng nước tiểu theo định kỳ.
- Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh phải hợp lý:
Ăn uống đầy đủ năng lượng, bổ sung thêm các thực phẩm tốt cho sức khỏe chứa nhiều vitamin và protein.
Lưu ý cần nhận định tình trạng nuốt của bệnh nhân trước khi cho ăn, nếu gặp vấn đề thì nên nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
- Phục hồi các cơ quan vận động:
Tùy theo từng giai đoạn hồi phục sức khỏe mà người nhà cần hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các động tác tập thở, vận động nhẹ nhàng trên giường… Sau quãng thời gian ổn định hơn, chấn thương dần dần hồi phục thì tiếp tục tập ngồi dậy, đi lại…
Trên đây là những thông tin cơ bản cần thiết về sơ cứu chấn thương cột sống cùng cách chăm sóc người bệnh. Để phòng tránh các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra đối với bệnh nhân, người sơ cứu hay người chăm sóc đều phải nắm rõ các quy tắc, thực hiện một cách thật đúng đắn bởi đây là một tình trạng vô cùng phức tạp và khó xử lý.