Vấn đề phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm là vô cùng cần thiết để bệnh nhân có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Nếu xây dựng được một chế độ vận động, luyện tập phù hợp, đồng thời có cách chăm sóc người bệnh đúng đắn thì việc hồi phục sẽ được diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều.
Cách phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm
Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật thoát vị, chắc chắn người bệnh sẽ vẫn cảm thấy đau và chưa thể trở lại như bình thường được.
Chính vì vậy, rất nhiều người nghĩ rằng phải nằm im một chỗ, hạn chế tối đa việc cử động hay di chuyển thì mới nhanh hết đau và sớm lành bệnh.
Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, nếu bệnh nhân không thực hiện chế độ vận động phù hợp mà chỉ nằm trên giường sẽ càng làm cho việc hồi phục trở nên trì trệ.
Vì vậy, để giải quyết cho vấn đề trên, đồng thời cũng để ngăn ngừa căn bệnh sẽ tái phát, người bệnh hãy tham khảo và thử áp dụng cách phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm dưới đây.
Khi bệnh nhân vẫn đang nằm viện
Khoảng thời gian bệnh nhân nằm lại viện sau phẫu thuật để bác sĩ theo dõi tình trạng có thể bắt đầu thực hiện những động tác nhẹ nhàng.
Đặc biệt cần lưu ý tuyệt đối không được cố sức, bởi lúc này sức khỏe người bệnh còn chưa được hồi phục trở lại và sẽ dần dần cảm thấy đau và nhức do đã hết công dụng của thuốc tê.
Nếu có thể hãy tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia trị liệu để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Giai đoạn 1: Sau phẫu thuật thoát vị từ 12 – 14 tiếng
Sau khi đã được nằm yên để nghỉ ngơi nửa ngày, đây là lúc thích hợp để người bệnh bắt đầu vận động các cơ xung quanh bụng thật nhẹ nhàng.
Nằm thẳng người, tay duỗi để 2 bên hoặc đặt trên bụng, đầu gối gấp vừa phải. Từ từ hít vào đồng thời hóp bụng, sau đó thở ra và đẩy bụng xuống. Lặp lại các động tác trong vòng 8 – 10 phút, thực hiện khoảng 2 – 3 lần trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn 2: Sau phẫu thuật thoát vị 24 tiếng
Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã có thể thực hiện một số động tác nhẹ, chủ yếu tập trung ở 2 chân như vận động cổ chân lên xuống, gập và duỗi chân.
Người bệnh lưu ý tiến hành luyện tập một cách thật từ từ, vừa phải. Nếu cảm thấy sức khỏe đủ tốt, có thể nhờ vào sự trợ giúp của người thân để tập nằm nghiêng sang phải và trái. Mức độ luyện tập ở giai đoạn 2 được khuyên là 2 – 3 lần/ngày.
- Giai đoạn 3: Sau mổ thoát vị đĩa đệm 3 ngày
Sức khỏe của bệnh nhân ở thời gian này đã được cải thiện hơn, cảm giác đau nhức thuyên giảm, vì thế có thể nhờ người thân giúp thực hiện động tác ngồi dậy, 2 chân từ từ đặt xuống đất rồi đứng lên.
Sau đó đi lại thật chậm rãi có kèm theo sử dụng khung tập. Tuy nhiên người bệnh chú ý không được ngồi, đứng hay đi quá lâu để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.
Khi bệnh nhân đã được xuất viện
Để nhanh chóng bình phục và sớm trở lại cuộc sống thường nhật, người bệnh cần kiên trì luyện tập ngay cả khi đã được xuất viện.
Hãy xem xét và tùy theo tình hình sức khỏe để lựa chọn phương pháp tập luyện cho phù hợp.
Để phòng ngừa những rủi ro, bệnh nhân nên sử dụng cả đai lưng cột sống và khung tập đi.
Một bài tập được nhiều chuyên gia khuyến khích thực hiện nhất đó là đi bộ.
Nó không chỉ giúp cho cả cơ thể của người bệnh được vận động mà còn làm thư giãn đầu óc khiến tâm trạng tốt hơn.
Khi đi bộ thẳng lưng, cấu trúc của cột sống sẽ được cải thiện, từ đó thúc đẩy cho việc lành bệnh diễn ra nhanh chóng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể đi bộ quanh phòng hoặc đi ra ngoài cùng người thân nếu cảm thấy sức khỏe đã ổn định.
Với những người chưa thể đi bộ thì có thể lựa chọn thực hiện một vài bài tập tại chỗ như động tác co chân, tư thế đạp xe…
Những bài tập này với công dụng tăng sự linh hoạt cho phần hông và chân mà không gây tác động mạnh tới cột sống.
Nếu lo ngại việc tự tập luyện có thể gây nguy hiểm, người bệnh cũng có thể tìm tới các trung tâm vật lý trị liệu để được các kỹ thuật viên trợ giúp.
Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm
Ngoài việc xây dựng một chế độ tập luyện phù hợp, người nhà cũng cần lưu ý tới vấn đề chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm nhằm ngăn ngừa các rủi ro không may xảy ra.
- Tiếp tục theo dõi cẩn thận tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Thời gian hồi phục hoàn toàn sau mổ có thể khác nhau tùy vào từng người, nhưng thông thường là từ nửa năm – 1 năm.
- Người nhà bệnh nhân chú ý tuyệt đối trong thời gian này không để họ làm những công việc nặng, tập luyện sai cách gây ảnh hưởng xấu đến cột sống.
- Không nên để người bệnh đeo đai lưng liên tục vì có thể khiến cột sống bị phụ thuộc.
- Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần hạn chế tối đa những thức ăn chua cay, dầu mỡ, tuyệt đối tránh xa các chất kích thích…
- Hãy cho người bệnh sử dụng các thực phẩm chứa nhiều vitamin và canxi như cá, tôm, nước hầm xương ống, đậu bắp, súp lơ xanh, hạt điều, đậu nành…
- Thường xuyên nói chuyện, trao đổi với bệnh nhân để họ ổn định tinh thần, yên tâm điều trị.
Trên đây là những thông tin mà mọi người cần biết về vấn đề phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm. Đây là quãng thời gian quan trọng mà bệnh nhân và người nhà cần lưu ý và tập trung nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất trong quá trình hồi phục sức khỏe, đồng thời phòng tránh nguy cơ bệnh có thể tái phát.