Mèo rừng có tên khoa học là Felis silvestris, sinh sống tại hầu hết các lục địa trên thế giới, với nhiều loại môi trường từ lục địa đến hoang đảo. Mèo rừng là tổ tiên của giống mèo nhà hiện nay. Số lượng mèo rừng đang có xu hướng ngày càng giảm mạnh. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên hiện tượng này, cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Đặc điểm của mèo rừng
Phân bố
Các giống mèo rừng hiện nay đều là hậu duệ của các giống mèo rừng có nguồn gốc từ châu Âu, Châu Phi và châu Á. Tại mỗi địa điểm và môi trường sống khác nhau, sự phân bố của loài mèo rừng này cũng khác nhau.
- Loài mèo rừng châu Âu có mặt hầu hết trên lãnh thổ châu Âu, trừ đảo Iceland và bán đảo Scandinavia và một số đảo nhỏ khác. Tuy nhiên, số lượng hiện nay đã giảm sút nghiêm trọng. Trong tự nhiên, chúng chỉ còn được tìm thấy rải rác ở một vài địa điểm từ Bồ Đào Nha cho đến bắc Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ, dãy núi Carpathian, Sicilia và Sardegna.
- Mèo rừng châu Phi thường phân bố tại các đồng cỏ xavan lớn. Đây là địa điểm phù hợp cho việc ngụy trang và săn mồi của chúng. Loài mèo rừng châu Phi này cũng được tìm thấy ở khu vực trung đông như Iran.
- Mèo rừng châu Á phân bố hầu hết các nơi trên lục địa từ vùng Đông Á, Đông Nam Á, Tây Bắc Ấn độ, Trung Á, Mông Cổ…
Dù sinh sống ở đâu đi nữa thì môi trường sống của loài mèo rừng thường có đặc điểm là rừng rậm hoặc đồng cỏ xavan lớn, nơi có mật độ che phủ cao để chúng có thể dễ dàng săn mồi và lẩn tránh kẻ thù. Các khu rừng rụng lá hoặc đầm lấy cũng là nơi sinh sống lý tưởng của chúng.
Mèo rừng thường rất ít khi phát hiện ở những nơi khô hạn , thiếu nước hoặc có tuyết phủ dày.
Lịch sử thuần hóa
Có rất nhiều tài liệu khoa học đã chỉ ra rằng, tất cả các giống mèo nhà hiện nay đều có chung tổ tiên là giống mèo rừng. Khác với nhiều loài vật khác được con người thuần hóa như chó, các loài gia súc lớn như trâu, bò, dê, các loại hoa màu, lúa gạo…thì mèo lại là động vật tự thuần hóa. Sự tự thuần hóa của loài mèo này xảy ra vào khoảng 10.000 năm trước, thời kỳ diễn ra nền cách mạng nông nghiệp.
Vào thời kỳ này, cùng với sự phát triển của các loại hạt mà năng suất do nông nghiệp tăng lên, số lượng lương thực cũng thu hoạch được nhiều hơn, kéo theo hệ quả là các loài động vật gặm nhấm đến làm tổ trong các kho lương thực ngày càng nhiều. Người ta tin rằng, trong thời điểm này, mèo rừng đã tự tìm đến, sống gần các kho lương thực để bắt chuột. Đồng thời chúng cũng từ bỏ bản tính hung hăng của mình để sống gần con người hơn, vì điều đó có lợi cho cuộc sống của chúng.
Từ đó mèo rừng đã tự thuần hóa chúng để trở thành loài mèo nhà hiện nay. Hiện nay, họ hàng gần nhất của loài mèo rừng là loài mèo cát (Felis Margarita).
Hình dáng
Hầu hết các loài mèo rừng hiện nay đều có hình dáng kích thước tương đương với loài mèo nhà. Chiều dài khoảng từ 45-80 cm, chiều dài đuôi trung bình khoảng 30cm, vai rộng trung bình 35cm và có cân nặng vào khoảng từ 3-6 kg.
Mèo rừng có bộ lông từ vàng xám, thích hợp với môi trường để ngụy trang, săn bắt con mồi cũng như lẩn trốn kẻ thù. Tuy nhiên hiện nay, một số loài mèo rừng cũng có những sọc màu vàng nhạt, nâu đen, hoặc có đốm ở trên thân mình. Đây là kết quả của quá trình lai ghép tự nhiên giữa giống mèo nhà và giống mèo rừng. Các loài mèo rừng châu Á và châu Phi có bộ lông ngắn hơn và nhạt màu hơn giống mèo rừng châu Âu.
Thức ăn
Cũng giống như các loài trong họ nhà mèo khác, mèo rừng là động vật ăn thịt. Con mồi của chúng đa phần là các loài động vật nhỏ như chuột, thỏ, chim, thằn lằn…Ngoài ra, tùy thuộc vào môi trường sống mà chúng có thể săn bắt các con mồi khác như động vật lưỡng cư, cá, hươu, nai nhỏ. Trong một số trường hợp đặc biệt hoặc khan hiếm thức ăn, người ta còn bắt gặp mèo rừng săn bắt cả côn trùng cũng như ăn một số loài thực vật, tuy nhiên đây chỉ là số lượng ít.
Hành vị
Về các đặc điểm, hành vi thì mèo rừng tương đối giống với mèo nhà. Chúng cũng có các cử chỉ âu yếm, vuốt ve giống nhau, tiếng kêu, cách đẻ và nuôi con. Tuy nhiên, mèo rừng lại rất cẩn thận trong việc tiếp xúc với con người, chúng thường tránh xa những nơi mà con người sinh sống.
Trong tự nhiên, mèo rừng là loài vật sống đơn độc. Chúng có lãnh thổ riêng biệt, rộng từ 1,5 đến 12 kilomet vuông. Con cái có lãnh thổ nhỏ hơn con đực. Trong lãnh thổ của một con mèo rừng đực thường có từ 3-6 con cái sống xung quanh.
Mèo rừng đánh dấu lãnh thổ của mình bằng mùi nước tiểu. Ngoài ra chúng còn đánh dấu bằng cách cào đất, cỏ cây hoặc để lại mùi hương của mình trên thân cây.
Vòng đời và sinh sản
Thời kỳ động dục của mèo rừng thường diễn ra vào mùa xuân, khi thời tiết ấm lên và lượng thức ăn dồi dào. Đối với các loài mèo sinh sống ở nơi nhiệt độ ấm, nóng ẩm quanh năm thì chúng có thể đẻ quanh năm.
Chu kỳ kinh nguyệt của mèo rừng cái thường kéo dài từ 2-8 ngày và mang thai trong khoảng từ 7 đến 9 tuần. Thông thường mèo rừng chỉ đẻ một lứa mỗi năm, mỗi lứa từ 1 đến 5 mèo con. Mèo con sinh ra rất yếu ớt, chúng mất từ 7-12 ngày để mở mắt và dứt sữa sau 8 tuần tuổi. Từ tuần từ 10 hoặc 12 trở đi chúng có thể đi săn mồi và sống độc lập một vài tuần sau đó. Sau khi được 1 năm tuổi, mèo rừng sẽ xây dựng lãnh thổ cho riêng mình và có thể sinh sản.
Trong điều kiện nuôi nhốt, mèo rừng có thể có thể có tuổi thọ tới 16 năm.
Mèo rừng Việt Nam
Việt Nam cũng có mèo rừng. Mèo rừng Việt Nam hay còn được gọi là mèo gấm, mèo cẩm thạch, là một trong những giống mèo quý hiếm và khó tìm nhất trên thế giới. Mèo rừng Việt Nam có họ hàng với loài báo lửa.
Mèo rừng Việt Nam thuộc chi Pardofelis, với đặc điểm có bộ lông màu xám xanh, có nhiều hoa văn cẩm thạch, dày và mịn. Đây là giống mèo có bộ lông đẹp nhất trong họ nhà mèo. Mèo rừng Việt Nam thường phân bố tại các cách rừng mưa nhiệt đới, độ che phủ cao.
Hiện nay, vì nhiều nguyên do mà mèo rừng tự nhiên đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Sự lai tạo với các giống mèo nhà, bệnh dịch, sự cạnh tranh thức ăn và nhất là sự suy giảm về môi trường sống đã khiến cho số lượng của chúng đang giảm dần. Mèo rừng đã được Quỹ động vật hoang dã WWF đưa vào danh sách bảo tồn tự nhiên.