Hen suyễn là bệnh hay gặp và tồn tại dai dẳng ở mọi lứa tuổi. Bệnh xuất hiện vì nhiều nguyên nhân; diễn biến kéo dài và có những giai đoạn nguy hiểm. Bài viết này chúng tôi đề cập những thông tin cơ bản nhất về bệnh hen suyễn giúp bạn và người thân có chất lượng sống tốt.
Hen suyễn là gì?
Hen suyễn (hen phế quản) còn thường được gọi ngắn gọn là suyễn. Đây là một bệnh lý mãn tính của đường hô hấp với các biểu hiện tương đối đặc trưng. Hen suyễn xuất hiện khi đường thở có dấu hiệu viêm nhiễm gây khó khăn trong việc hô hấp. Khác với các bệnh lý khác về phế quản, hen suyễn không có khả năng lây nhiễm.

Triệu chứng hen suyễn
Bệnh nhân khi mắc hen suyễn sẽ biểu hiện đặc hiệu là những cơn hen. Khởi đầu cơn bệnh nhân có các tiền triệu như:
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Ngứa mắt
- Ho khan
- Buồn ngủ
Sau đó xuất hiện cơn khó thở, lúc bắt đầu bệnh nhân có cảm giác chít nghẹn ở cổ, khó thở chậm và rất tốn sức để thở ra. Người ngoài cũng có thể nghe thấy tiếng cò cử. Tiếp đến khó thở tăng dần, vã mồ hôi, khó nói.

Một cơn khó thở kéo dài từ 5 tới 15 phút, cá biệt có khi hàng tiếng và kết thúc với một trận ho và khạc đờm dài. Đờm khạc ra trong quánh và dính.
Nguyên nhân hen suyễn
Cơ chế bệnh sinh:
Hen suyễn xảy ra khi đường dẫn khí của người mắc bị viêm do tác động của vi khuẩn, dị nguyên gây dị ứng hoặc các nguyên nhân khác.
Một đường hô hấp bị viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần sẽ xảy ra tình trạng tái cấu trúc đường dẫn khí. Tế bào biểu mô tái sinh quá nhiều trở nên rất nhạy cảm với các tác nhân lạ, y khoa gọi là tình trạng “tăng phản ứng của phế quản”.
Khi bệnh nhân có tình trạng này bất kỳ 1 kích thích nào như làm việc nặng, hít phải lông động vật hay viêm nhiễm virus đường hô hấp đều kéo theo phản ứng viêm rất mạnh vốn không có ở người bình thường. Phản ứng viêm này gây co thắt cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch mủ do vậy tạo nên bệnh cảnh cơn hen điển hình.
Trong trường hợp khác, bệnh nhân bị hen suyễn khi có cơ địa dị ứng với các tác nhân ngoại lai đặc biệt như bọ nhà, phấn hoa, lông động vật. Khi xuất hiện trong đường dẫn khí, các tác nhân này sẽ kích thích quá trình miễn dịch rất mạnh tại chỗ, từ đó cũng gây ra cơn hen.
Dưới đây là một số nguyên nhân khởi phát hen suyễn:
- Gắng sức
- Bọ nhà
- Gián
- Khói thuốc lá
- Khói than
- Ô nhiễm môi trường
- Nấm mốc
- Phấn hoa
- Hóa chất mùi mạnh
- Lông thú
- Thuốc ảnh hưởng tới cơ trơn phế quản: Aspirin, Beta blocker
- Cảm cúm
- Stress
Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không
Hen suyễn là bệnh khá thường gặp cả ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Tại Việt Nam, tỉ lệ khoảng 2-6% dân số bị mắc; các nước khác như Mỹ khoảng 4.8%, Pháp 3.5%, Phần Lan 7.9%.
Bệnh hen suyễn là bệnh cần điều trị tích cực và tuân thủ liệu trình. Những cơn hen sẽ ngày càng nặng lên nếu bệnh nhân không sớm điều trị cùng tuân thủ phác đồ và cần phải cấp cứu mỗi khi cơn xuất hiện.
Bệnh tiến triển kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống bệnh nhân. Tiến triển cuối cùng là bệnh Tâm phế mạn hoặc tử vong do cơn hen cấp không được điều trị kịp thời.
Bệnh hen suyễn có chữa được không
Hen suyễn là bệnh có thể điều trị ổn định. Bệnh nhân đạt kết quả tốt khi không xuất hiện các cơn hen cấp, hạn chế được tối đa các triệu chứng của bệnh và đảm bảo bệnh nhân có các sinh hoạt bình thường.
Điều trị hen suyễn như thế nào là hiệu quả?
Hiện nay đa số các bác sĩ chuyên ngành Hô hấp sẽ theo dõi và điều trị bệnh nhân bằng phác đồ của Tổ chức chống hen toàn cầu (GINA) được Bộ y tế chỉnh sửa phù hợp với tình hình và con người trong nước.
Khi bệnh nhân có các biểu hiện của hen suyễn tới gặp bác sĩ, họ sẽ được làm các xét nghiệm xác định chức năng hô hấp như
- Thăm dò bằng phế dung kế
- Đo lưu lượng đỉnh bằng đỉnh kế
- Chụp Xquang lồng ngực trong cơn hen
- Khí máu trong cơn hen
Sau khi xác định mức độ nặng, bệnh nhân hen suyễn sẽ được điều trị theo các mức độ từ nhẹ tới nặng.
Các loại thuốc trị hen suyễn
Các thuốc chống viêm dự phòng hen: Corticoid
- Dạng hít (ICS)
- Dạng uống: Prednisolon, medexa
- Dạng tiêm: Methylprednisolone, solumedrol
Thuốc cắt cơn và kiểm soát triệu chứng
Thường được dùng khi có cơn hen xuất hiện như 1 biện pháp cấp cứu tại nhà. SABA (short acting Beta 2 Agonist – Thuốc kích thích beta 2 xuất hiện nhanh) và LABA (long acting Beta 2 Agonist – Thuốc kích thích beta 2 xuất hiện muộn).
Thuốc này kích thích vào các receptor (điểm nhận tín hiệu của tế bào) Beta 2 khiến các cơ trơn thành ống dẫn khí dãn ra, làm giảm và cắt cơn hen.
- Xanthin: Dùng khi SABA và LABA ít tác dụng
- Leucotrien: Dự phòng tốt cho các cơn hen nhẹ
- Kháng thể đơn dòng Omalizumab: Hỗ trợ điều trị các bệnh nhân hen nặng.
Cách trị hen suyễn tại nhà
Bằng cách tuân thủ điều trị và tăng cường hiểu biết của bệnh nhân và người nhà về bệnh hen suyễn, tình trạng bệnh sẽ dần cải thiện. Lối sống và các thói quen sau giúp ích cho quá trình điều trị hen suyễn tại nhà, bao gồm:
- Phát hiện sớm và tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ. Thường xuyên khám định kỳ để thay đổi liệu trình phù hợp với cá nhân.
- Giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn hen như đã nói ở phần trên, bao gồm các yếu tố dị nguyên như bụi nhà, gián, phấn hoa, cảm cúm, stress và vận động nặng.
- Bỏ thuốc lá
- Tránh tiếp xúc với khói thải xe cộ
- Tiêm phòng cúm hàng năm
Chữa hen suyễn khỏi hẳn bằng đông y
Dù có nhiều cơ sở Đông y khẳng định chữa khỏi hen suyễn nhưng Tổ chức y tế thế giới WHO đã định nghĩa Hen là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi. Các biện pháp đông y sau đây có thể giúp ổn định tình trạng hen và giảm tối thiểu các cơn hen cấp:
Bài thuốc “Tô tử giáng khí thang” bao gồm 8 vị thuốc: Điều trị các chứng hen do hàn khí (lãnh háo)
- Tô tử 12g dã dập, bán hạ chế 20g không vỏ, đương quy, hậu phác 16g cạo vỏ, tiền hồ 16g, nhục quế 8g, trần bì 8g, cam thảo 8g.
- Sắc thuốc cùng 1600 ml nước lấy 250ml. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
- Châm tả (làm giảm khí) các huyệt: Phế du, định suyễn, phong long, túc tam lý, thiên đột.
Bài thuốc: “Bạch quả định suyễn thang” bao gồm 9 vị:
- Bạch quả nhân 8g, hoàng cầm 16g, hạnh nhân 12g, tang bạch bì 20g, tô tử 12g, cam thảo 8g, ma hoàng 12g, bán hạ 16g, khoản đông hoa 8g.
- Sắc thuốc với 1700ml nước, bỏ bã lấy 250ml, uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 3 lần, tối uống 2 lần.
- Châm tả: Định suyễn, khúc trì, túc tam lý, phong long, thiên đột.
Tuy nhiên khi các triệu chứng hen tiến triển dai dẳng và có xu hướng nguy hiểm tới tính mạng người viết đặc biệt đề nghị bệnh nhân được theo dõi và xử trí ở cơ sở y tế có chuyên môn.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản nhất về bệnh hen suyễn. Mong rằng qua bài viết này người đọc có thêm thông tin về bệnh và phát hiện sớm tình trạng để được điều trị đúng và sớm nhất.