Hen suyễn là một bệnh viêm mãn tính khá phổ biến ảnh hưởng đến đường hô hấp. Các triệu chứng thường là khó thở, ho, tức ngực và có liên quan đến sự tắc nghẽn đảo ngược của luồng không khí và co thắt phế quản. Vậy hen suyễn nên ăn gì và kiêng ăn gì để kiểm soát bệnh?
Theo nguyên tắc chung, bệnh nhân bị hen suyễn không bắt buộc phải tuân thủ theo một chế độ ăn kiêng nào cụ thể. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bệnh nhân có thể ăn tất cả những gì mà họ thích. Có những bệnh nhân không chỉ bị dị ứng với phấn hoa, lông động vật, mùn cưa mà họ còn dị ứng với thực phẩm.
Hen suyễn nên ăn gì?
Một chế độ ăn uống cân bằng đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh hen bởi vì hệ thống miễn dịch của họ hoạt động không tốt và một số thực phẩm có thể giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Rau củ
Rau củ chứa nhiều vitamin và khoáng chất có thể giúp hỗ trợ chức năng phổi, phế quản khỏe mạnh. Bông cải xanh, rau bina và bí là một trong những loại rau chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất vì chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất như Vitamin C và E và bioflavonoid
Tỏi và hành tây có nhiều chất chống oxy hóa, cũng được chứng minh là giúp cải thiện chức năng phổi bằng cách giảm lượng gốc tự do trong cơ thể.

Trái cây
Cũng giống như rau, trái cây có các vitamin và khoáng chất cần thiết cho người bị hen suyễn. Quả kiwi đặc biệt hữu ích khi bị hen suyễn vì hàm lượng Vitamin C. Táo có chứa một loại bioflavonoid có tên là quercetin, có thể giúp giảm viêm. Làm sinh tố trái cây để uống hàng ngày cũng là một cách hiệu quả để kiểm soát cơn hen
Cá
Có có chứa nhiều axit béo Omega-3, hoặc chất béo không bão hòa đa. Một nghiên cứu gần đây cho thấy ăn đủ lượng Omega-3 từ cá có luồng khí tốt hơn và dẫn đến sự phụ thuộc thấp của thuốc trị hen suyễn. Hãy bổ sung cá ngừ, cá bơn hoặc cá hồi vào chế độ ăn cho người bị hen suyễn.
Một số loại hạt
Chúng ta thường bổ sung protein từ thịt gia cầm và thịt đỏ. Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện ở New Zealand cho thấy nguồn protein từ các loại hạt ngũ cốc, bột yến mạch, lúa mì sẽ tốt cho người bị hen suyễn hơn
Một số thực phẩm khác
- Thực phẩm giàu beta caroten: Chất này có nhiều trong gấc, bí đỏ, cà rốt, khoai lang, ớt chuông
- Vitamin E: có trong dầu thực vật, các loại hạt, đậu
- Hành tây, tỏi, nghệ, ớt, ngũ cốc, rau thơm, bông cải xanh…
Uống nhiều nước
Mất nước có thể làm tăng viêm. Uống đủ nước giúp cơ thể và phổi hoạt động tốt hơn. Chọn nước lọc thay vì nước ngọt, soda….sẽ tốt hơn vì tránh hàm lượng đường không tốt cho sức khỏe. Tùy theo độ tuổi mà bổ sung lượng nước phù hợp cho cơ thể mỗi ngày.
Hen suyễn kiêng ăn gì?
Có nhiều loại thực phẩm khi ăn vào sẽ làm tăng sản xuất đờm, chất nhầy và làm xấu đi tình trạng của bệnh nhân hen. Để tránh điều này thì bạn cần hạn chế ăn một số loại thực phẩm sau
Chất béo bão hòa
Thực phẩm chứa chất béo bão hòa thúc đẩy các triệu chứng hen suyễn. Các chất bèo này có mặt trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta ăn vào bữa trưa hoặc bữa tối chẳng hạn như khoai tây chiên, thịt đỏ, đồ ngọt.
Chất béo bão hòa cũng có mặt nhiều trong thực phẩm chế biến và làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh hen. Hậu quả này là do phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các chất này. Vì vậy bạn nên thay thế bằng axit béo omega 3 và các nguồn protein nạc như sữa tác béo, ức gà, các loại đậu.
Các sản phẩm từ sữa
Do một lượng lớn chất béo được tìm thấy trong các sản phẩm sữa, các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn nếu chúng được ăn quá nhiều. Tuy nhiên bệnh nhân không nhất thiết phải kiêng quá nhiều. Nên ăn với một lượng vừa phải, chọn sản phẩm sữa tách kem.
Chúng ta thường ăn nhiều các sản phẩm từ sữa mà không hề nhận ra bởi vì chúng có mặt trong nhiều công thức và thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày như súp kem, món tráng miệng, kem, cà phê macchiato, sinh tố, bơ, v.v. Các sản phẩm sữa làm tăng sản xuất chất nhầy và do đó làm tăng tắc nghẽn. Điều này làm cho việc thở khó khăn hơn nhiều trong cơn hen suyễn.
Thịt đỏ
Như đã đề cập ở trên, người bị hen suyễn nên kiêng chất béo bão hòa và loại chất béo này có nhiều trong thịt đỏ. Thịt bò và thịt heo làm xấu đi tình trạng của những người bị hen. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí dinh dưỡng thì những người ăn nhiều thịt đỏ có nhiều khả năng bị hen suyễn hơn. Vì vậy hãy cố gắng giảm lượng thịt đỏ trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày và thay thế bằng nguồn protein lành mạnh hơn như thịt gà, cá.

Thức ăn có nhiều muối
Lượng natri dư thừa trong cơ thể gây ra các vấn đề về thận, béo phì và phù ở chân. Nó cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đối với bệnh nhân bị hen suyễn. Trên thực tế, muối natri làm tăng phản ứng của hệ miễn dịch và gây triệu chứng hen.
Bạn chỉ nên nêm nếm muối vừa phải vào thức ăn, tránh các thực phẩm chế biến sẵn chẳng hạn như khoai tây nghiền, khoai tây chiên, súp đóng gói, đồ ăn nhẹ…
Chất béo chuyển hóa
Loại chất béo này thu được nhờ một quá trình mà hydro kết hợp với dầu thực vật. Chúng hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và các triệu chứng hen suyễn sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Tránh tất cả các sản phẩm có chứa chất béo chuyển hóa (bao gồm bơ thực vật, thực phẩm chiên và dầu hydro hóa một phần). Những chất béo này cũng có mặt trong bánh quy và kẹo sản xuất công nghiệp.
Trên đây là bài gợi ý hen suyễn nên ăn gì và kiêng ăn gì. Một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và kiểm soát các triệu chứng của bệnh hen suyễn