Chào các bạn, hôm nay tôi xin được trình bày về đặc điểm giải phẫu xương cánh tay. Bài viết này là nguồn tài liệu chính xác giúp cho các em học sinh, sinh viên và mọi người muốn tìm hiểu về cấu trúc giải phẫu của xương trong cơ thể.
Cấu trúc giải phẫu xương cánh tay
Đầu tiên như chúng ta đã biết, xương cánh tay là một xương dài của chi trên nối xương vai ở trên và 2 xương cẳng tay ở dưới. Để định hướng được xương cánh tay trong không gian, chúng ta sẽ đặt đầu tròn lên trên, hướng vào trong và phần rãnh hướng ra phía trước. Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy xương cánh tay có một đầu tròn và một đầu dẹt. Nếu đúng như 2 đặc điểm trên thì đây sẽ là xương cánh tay bên trái.

Mô tả xương cánh tay: gồm có 2 đầu trên và dưới, 3 mặt là mặt trước ngoài, mặt trước trong và mặt sau.
Mô tả các mặt của thân xương:
- Mặt trước ngoài ở khoảng giữa sẽ có một vùng gồ ghề hình chữ V được gọi là lồi củ đenta có công dụng giúp cho cơ đenta có thể bám vào.
- Mặt trước trong của xương cánh tay tương đối phẳng, trơn, nhẵn.
- Mặt sau có 1 rãnh chạy chếch xuống dưới và ra ngoài gọi là rãnh thần kinh quay để cho thần kinh quay và động mạch cánh tay sau đi qua nó. Do đó những tổn thương gãy 1/3 giữa và 1/3 dưới thân xương cánh tay sẽ có khả năng tổn thương thần kinh quay.
Tóm lại giải phẫu chung xương cánh tay gồm có:
- Hình dạng một thân xương có 2 đầu, đầu trên và đầu dưới
- Thân xương có 3 mặt: mặt trước ngoài, mặt trước trong và mặt sau
- Mặt trước ngoài: lồi củ đenta cho cơ đentâ bám
- Mặt trước trong: trơn nhẵn
- Mặt sau: rãnh thần kinh quay
Theo wikipedia: Xương cánh tay là một loại xương dạng ống dài hình trụ, vị trí nằm ở cánh tay chi trên bắt đầu ở vai cho tới khuỷu tay. Đặc điểm giải phẫu xương cánh tay, xương này nối xương vai với xương quay, xương trụ ở xương cẳng tay.
Khu trú đầu trên cánh tay:
Đầu trên xương cánh tay sẽ có cấu trúc dạng 1/3 trái cầu gọi là chỏm xương cánh tay. Đồng thời, ở rìa chỏm xương cánh tay sẽ có một nút thắt gồ ghề được gọi là cổ giải phẫu xương cánh tay. Phía ngoài của chỏm xương cánh tay sẽ có 2 củ: củ lớn và củ bé ngoài ra còn một phần là rãnh gian củ. Các bạn có thể thấy được rằng giải phẫu xương cánh tay rất dễ phải không?
Trong rãnh gian củ sẽ có 2 bờ:
- Bờ ở ngoài gọi là mào củ lớn
- Bờ ở trong gọi là mào củ bé
- Đầu trên xương cánh tay sẽ nối với thân xương bởi một chỗ hẹp gọi là cổ phẫu thuật của xương cánh tay.

Tóm lại giải phẫu đầu trên xương cánh tay gồm có:
- Chỏm xương cánh tay
- Cổ giải phẫu
- Củ lớn, củ bé và rãnh gian củ
- Mào củ lớn, mào củ bé
- Cổ phẫu thuật
Khu trú đầu dưới xương cánh tay
Khi quan sát mô hình trực tiếp các bạn có thể dễ dàng nhận thấy đầu dưới của xương có hình dạng dẹt ngang đồng thời hơi cong về phía trước. Phía ngoài của đầu dưới có một cấu trúc giống như hình cầu được gọi là chỏm con của xương cánh tay. Phía trên chỏm con sẽ có hố quay là vị trí ở đầu trên xương quay nằm khih khuỷu gập. Phía trong của đầu dưới xương cánh tay sẽ có một cấu trúc giống hình ròng rọc gọi là ròng rọc của xương cánh tay. Tiếp theo ngay ở phía trên ròng rọc đó là hố vẹt là vị trí của mỏm vẹt của xương trụ nằm khi khuỷu tay ở tư thế gập.
Phía trên trong và phía trên ngoài của chỏm con và ròng rọc sẽ có mỏm trên lồi cầu ngoài và mỏm trên lồi cầu trong. Mặt sau của xương cánh tay sẽ có hố mỏm khuỷu để cho khuỷu nằm ở vị trí này khi khuỷu tay duỗi ra.

Tóm lại giải phẫu đầu dưới xương cánh tay gồm có:
- Hình dạng dẹt, bè ngang, hơi cong ra phía trước
- Chỏm con + hố quay
- Ròng rọc + hố vẹt
- Mỏm trên lồi cầu trong + mỏm trên lồi cầu ngoài
- Hố khuỷu
Để hiểu một cách dễ dàng và trực quan hơn về giải phẫu xương cánh tay, mời bạn xem trong video sau đây:
Hy vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu và hình dung được đặc điểm giải phẫu xương cánh tay trái và phải của con người. Nếu bạn còn có thắc mắc nào chưa hiểu rõ, hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. PGS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi của bạn. Nếu thấy bài viết này hay thì hãy chia sẻ với những người quan tâm để giúp cho những người thân của bạn có được một lượng kiến thức sinh học bổ ích nhé. Cảm ơn bạn vì đã xem bài viết của tôi!