Chứng nhận FSC là gì? Bạn đã từng nghe nói tới chứng chỉ FSC này nhưng không hề biết được ý nghĩa và tác dụng cũng như sự cần thiết phải có được chứng nhận này. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn tất cả các thông tin cần thiết mà bạn cần về loại chứng chỉ FSC này.
Tìm hiểu xem chứng nhận FSC là gì ?
Tổ chức FSC là gì ?
Rừng là một tài nguyên vô cùng quý giá không chỉ riêng nước ta mà còn tất cả các nước khác trên thế giới đều coi trọng. Nếu như tài nguyên rừng không được đảm bảo và phát triển, thiên tai và mất cân bằng hệ sinh thái sẽ diễn ra ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm ngàn sinh vật đang sinh sống.
Đứng trước việc cần phải bảo tồn và kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên rừng vô cùng quý giá này mà có một tổ chức đã được thành lập nên. Đó chính là tổ chức FSC (viết tắt của Forest Stewardship Council), đây là một tổ chức của quốc tế thành lập nên và phi chính phủ, được thành lập vào năm 1993 và vẫn hoạt động từ đó cho đến nay. FSC giúp đưa ra các giải pháp, đề xuất các biện pháp nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên rừng và bảo vệ chúng khỏi bị phá hoại.
Trụ sở chính của tổ chức FSC được đặt tại thành phố Bonn của Đức, hiện nay có hơn 50 quốc gia cùng gần 900 thành viên đã tham gia vào tổ chức này. Bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khoa học, chuyên gia,… tất cả tham gia vào với mục đích chung là bảo tồn và kiểm soát được nguồn tài nguyên rừng hiện nay trên thế giới. Tổ chức FSC là một tổ chức cực kỳ có uy tín, rất nhiều các tài nguyên rừng của nhiều quốc gia đã được nhận sự giúp đỡ nhằm bảo vệ và phát triển mạnh hơn nguồn tài nguyên quý giá này.
Chứng chỉ FSC
Chứng nhận FSC là thứ được công nhận bởi tổ chức FSC sau khi đã hoàn thành việc đánh giá và xác nhận về tài nguyên rừng của một quốc gia. Có 2 loại chứng nhận FSC hiện nay được công nhận bởi các tổ chức uy tín:
- FMC (viết tắt của Forest Management Certificate), là chứng nhận quyền bảo vệ rừng, cung cấp cho các khu rừng của một quốc gia khi đã đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế.
- CoC (viết tắt của Chain of Custody Certificate) là chứng nhận cho chuỗi hành trình sản phẩm. Tức là công nhận những nguyên liệu thô từ rừng đến được với tay của người tiêu dùng, bao gồm các công đoạn từ khai thác, vận chuyển cho tới sản xuất. Đây là một chuỗi quá trình từ việc khai thác cho tới khi chế tác xong và chuyển đến người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Chứng chỉ này giúp xác nhận những sản phẩm làm từ gỗ rừng có nguồn gốc rõ ràng, đạt đầy đủ các tiêu chí của tổ chức FSC.
Điều kiện để được cấp chứng nhận FSC
Bộ chứng nhận FSC bao gồm 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí khác nhau nhằm chứng nhận cho các cơ sở đang thực hiện quản lý tài nguyên rừng cùng với các nhà sản xuất sử dụng gỗ để sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo chứng chỉ FSC này. Để có được đủ điều kiện được cấp chứng nhận FSC, các tổ chức quản lý phải đảm bảo thỏa mãn một số điều kiện như sau:
- Phải cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan làm bằng chứng chứng minh về nguồn gốc của tài nguyên rừng cũng như các sản phẩm gỗ không bị nằm trong danh mục các sản phẩm bị cấm (tức là gỗ khai thác trái phép, gỗ lậu không có nguồn gốc xuất xứ, gỗ khai thác trong khu vực hạn chế và có độ bảo tồn cao,…)
- Cung cấp các tài liệu liên quan tới việc lập kế hoạch nhằm bảo vệ và trồng rừng. Cũng như kế hoạch khai thác tài nguyên rừng như thế nào cho hợp lý.
- Cung cấp đầy đủ các hồ sơ về các chương trình được thành lập nhằm đảm bảo tuyệt đối cho lợi ích của những người dân bản địa sinh sống trong khu vực rừng đó.
Chứng chỉ FSC này sau khi được công nhận bởi các quốc gia và tổ chức uy tín, sẽ có giá trị trong vòng 5 năm trước khi thực hiện việc đánh giá lại điều kiện để được cấp tiếp chứng nhận. Tuy nhiên cứ mỗi năm, tổ chức FSC có quyền kiểm tra thường niên nhằm đảm bảo các tổ chức đã cam kết có thực hiện đúng theo những gì được ghi không.
10 nguyên tắc quan trọng trong chứng nhận FSC phải tuân thủ
Như đã đề cập ở trên, bộ chứng nhận FSC bao gồm 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí đánh giá khác nhau để được công nhận. Dựa theo chuẩn mực của tổ chức FSC mà 10 nguyên tắc dùng để đánh giá sẽ bao gồm:
Nguyên tắc thứ nhất: Tuân thủ luật pháp và các luật trong nội bộ tổ chức FSC.
Nguyên tắc thứ hai: Tuân thủ quyền và nghĩa vụ với việc quản lý và sử dụng tài nguyên.
Nguyên tắc thứ ba: Tuân thủ quyền và lợi ích của người bản địa sinh sống.
Nguyên tắc thứ tư: Tuân thủ các mối quan hệ và lợi ích của người lao động.
Nguyên tắc thứ năm: Đảm bảo được các lợi ích từ tài nguyên rừng.
Nguyên tắc thứ sáu: Đảm bảo kiểm soát được tác động đến môi trường sống.
Nguyên tắc thứ bảy: Phải có kế hoạch giám sát và quản lý cụ thể.
Nguyên tắc thứ tám: Thực hiện việc giám sát và đánh giá thường xuyên.
Nguyên tắc thứ chín: Bảo tồn những cánh rừng có giá trị cao.
Nguyên tắc thứ mười: Bảo vệ các cánh rừng đang được nuôi trồng.
Lợi ích của chứng chỉ FSC khi nhận được
Một khi bạn là thành viên của tổ chức FSC và nhận được chứng nhận FSC cho tài nguyên rừng của quốc gia của bạn, bạn sẽ nhận được các lợi ích vô cùng to lớn như sau:
- Chứng nhận FSC giúp cho việc kiểm soát tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường tốt hơn.
- Chứng chỉ FSC thể hiện rõ sự quan tâm tới đời sống xã hội và kinh tế của con người. Nhất là đối với dân bản địa sinh sống trong khu vực rừng.
- Giúp giảm thiểu đi những lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên rừng không đúng cách.
- Làm tăng giá trị của những mặt hàng và sản phẩm được công nhận bởi chứng chỉ FSC.
Như vậy, chứng nhận FSC là điều rất quan trọng mà các quốc gia luôn muốn nhắm tới để có thể bảo vệ được tốt nguồn tài nguyên rừng của quốc gia họ. Việc sử dụng và quản lý cũng như kiểm soát được tài nguyên rừng sẽ làm tăng lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho quốc gia đó.