Chữa viêm phế quản bằng lá trầu là bài thuốc dân gian được lưu truyền từ xưa để giảm các triệu chứng như ho, thở khò khè, mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đờm nhiều do viêm…Nếu bạn chưa biết đến cách này thì hãy xem cách làm chi tiết dưới đây.
Chữa viêm phế quản bằng lá trầu có tốt không?
Viêm phế quản là tình trạng các ống phế quản bị viêm nhiễm. Khi sự kích thích của các tế bào mô lót phế quản vượt quá một ngưỡng nhất định, các tế bào lông nhỏ thường ngăn chặn và loại bỏ các chất ô nhiễm bị ngừng hoạt động. Người bệnh có xu hướng gia tăng tiết chất nhầy gây ho. Tình trạng viêm có thể do virus, vi khuẩn, hút thuốc hoặc hít phải các chất ô nhiễm hóa học hoặc bụi.
Lá trầu không không chỉ sử dụng để ăn trầu mà nó còn là một vị thuốc có thể chữa được một số bệnh thường gặp, trong đó có viêm phế quản. Trong lá trầu có chứa 0,8-1,8% tinh dầu thơm chủ yếu là betel-phenol và chavicol có vị nồng. Ngoài ra theo các nghiên cứu, lá trầu còn có chứa một số hợp chất có tác dụng tốt đối với sức khỏe bao gồm: chavicol, allylcatechol, caryophyllen, cadinen, tanin, eugenol, carvacrol, vitamin và các axit amin.

Lá trầu chữa viêm phế quản rất tốt do có khả năng kháng khuẩn với nhiều loại như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, song cầu khuẩn… và chống viêm.
Theo đông y, lá trầu có tác dụng tiêu thũng chỉ thống, tiêu đờm, tán hàn khư phong. Bên cạnh đó, lá trầu cũng được sử dụng trong các bài thuốc chữa một số bệnh về đường hô hấp khác như viêm phổi, viêm họng, ho có đờm…
Cách chữa viêm phế quản bằng lá trầu
Bạn có thể lựa chọn một trong số những cách sử dụng lá trầu không chữa viêm phế quản dưới đây để áp dụng tại nhà tùy thuộc vào tình trạng bệnh và những nguyên liệu sẵn có.
Chữa viêm phế quản bằng lá trầu và mật ong
Mật ong theo quan điểm của Đông y là chất có vị ngọt, tính bình giúp làm dịu cơn đau rát cổ họng, khơi thông đường thở, giảm các triệu chứng của viêm, đẩy nhanh quá trình hồi phục các tổn thương ở niêm mạc đường hô hấp. Bên cạnh đó, trong mật ong nguyên chất còn có nhiều thành phần có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm phế quản nhanh chóng mà an toàn. Sự kết hợp giữa lá trầu và mật ong sẽ tăng thêm tính hiệu quả cho bài thuốc này
- Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 1 nắm lá trầu không và 10ml mật ong nguyên chất
- Rửa sạch lá trầu với nước muối để loại bỏ những tạp chất vì vi trùng còn sót lại trên lá sau đó để ráo nước
- Xay nhuyễn lá trầu với một bát nước sôi
- Lọc phần nước cốt và thêm mật ong vào khuấy đều
- Mỗi ngày uống 3 lần sau các bữa ăn.
Có một cách khác là rửa sạch lá trầu, xay nhuyễn, đổ nước sôi vào ngâm 20 phút. Lọc lấy phần nước cốt sau đó cho thêm mật ong vào khuấy đều uống mỗi ngày 2 lần sau bữa ăn. Sử dụng thêm lá trầu đã hơ nóng để dán vào ngực trước khi đi ngủ. Thực hiện cách này trong khoảng 8 ngày sẽ có kết quả
Chữa viêm phế quản bằng lá trầu và củ nén
Củ nén (hành tăm) có thể còn xa lạ với nhiều người, đây là củ có mùi hăng, vị cay, tính ấm giúp đào thải độc tố trong cơ thể, tiêu đờm, hạ sốt, khử phong tán hàn. Củ nén cũng có đặc tính kháng viêm, sát khuẩn tốt nên sử dụng để chữa viêm phế quản rất hiệu quả khi kết hợp với lá trầu không.
- Nguyên liệu cần chuẩn bị là 1 nắm lá trầu và 10 củ nén
- Rửa sạch lá trầu không, để ráo nước, củ nén mang đi bóc vỏ thật sạch
- Xay nhuyễn cả hai nguyên liệu này sau đó ngâm trong nước sôi khoảng 20 phút rồi lọc lấy phần nước cốt để uống.
- Uống mỗi ngày 2 lần sau bữa ăn, nên kiên trì thực hiện liên tục trong 1 tuần
Trị viêm phế quản bằng lá trầu không và gừng tươi
Trong củ gừng có chứa nhiều hoạt chất như zingiberene, beta-bisabolene, beta-sesquiphellandrene, gingerols, shogaols, sesquiphellandrene có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn từ đó giúp giảm đờm tích tụ trong cổ họng, cải thiện tình trạng khó thở, thở khò khè, sưng viêm…Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, được sử dụng để chữa phong hàn, viêm phế quản, viêm phổi…
- Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 10g lá trầu và 1 củ gừng tươi
- Cạo sạch vỏ củ gừng và rửa sạch lá trầu rồi để ráo nước
- Mang lá trầu thái nhỏ, gừng thái thành các lát mỏng rồi giã nhuyễn
- Ngâm hỗn hợp này với nước sôi trong 20 phút
- Chắt lấy phần nước cốt để uống sau mỗi bữa ăn, mỗi ngày uống 2 lần
Trị viêm phế quản bằng lá trầu không, nhục đậu khấu và nụ đinh hương
Sự kết hợp của lá trầu, nhục đậu khấu và nụ đinh hương cho tác dụng tiêu đờm, giảm ho, thở khò khè hiệu quả.
- Chuẩn bị nguyên liệu gồm 10g lá trầu không, 5g nụ đinh hương, 5g nhục đậu khấu
- Rửa sạch các nguyên liệu, để ráo nước
- Sắc các nguyên liệu với 300ml nước lọc trong 10 phút.
- Để thuốc nguội bớt sau đó chắt lấy phần nước để uống mỗi ngày 3 lần trong 10 ngày

Một số lưu ý khi chữa viêm phế quản bằng lá trầu
- Không nên áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ lá trầu đối với trẻ em. Nếu muốn thì trước khi áp dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp
- Nếu trong quá trình điều trị bằng lá trầu, bệnh nhân cảm thấy bị đau dạ dày thì nên ngưng sử dụng trong 3 ngày, nếu cảm thấy ổn hơn thì tiếp tục áp dụng.
- Nên sử dụng lá trầu có màu xanh đậm, lá già vì có chứa tinh dầu hơn so với lá non
- Người bệnh nên chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cũng không nên bỏ qua việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tổng thể
Trên đây là các cách chữa viêm phế quản bằng lá trầu không. Trước khi sử dụng bạn nên đi khám để xác định chính xác tình trạng bệnh và tham khảo ý kiến bác sĩ xem việc áp dụng các bài thuốc này có phù hợp với tình trạng hiện tại của mình không.