Thiên niên kiện là một trong những vị thuốc phổ biến trong các bài thuốc điều trị chứng đau nhức, tê mỏi chân tay, xương khớp. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai hiểu rõ ràng về đặc điểm sinh học cũng như công dụng của loài cây này cả. Hãy để chúng tôi giới thiệu chi tiết đến các bạn trong bài viết dưới đây.
Đặc điểm sinh học của cây thiên niên kiện
Thiên niên kiện là cây gì?
Trong dân gian, thiên niên kiện còn được biết đến với tên gọi khác là cây bao kim hay cây sơn thục. Về mặt khoa học, danh pháp của cây thiên niên kiện là Homalomena occulta, thuộc họ Ráy (Araceae).
Thiên niên kiện được tìm thấy chủ yếu tại các vùng khí hậu nóng ẩm thuộc khu vực Nam Á và tây nam Thái Bình Dương, một số loài đặc hữu chỉ có tại rừng mưa Nam Mỹ. Cây thường được tìm thấy tại các vùng trũng men các con kênh, rạch,gần nguồn nước hoặc ven các sườn đồi, núi thấp.
Trong y học, thiên niên kiện chủ yếu được ứng dụng để làm dược liệu chữa các bệnh liên quan đến đau nhức xương khớp và một số bệnh về đường tiêu hóa, dạ dày, ruột…
Hình ảnh cây thiên niên kiện
Đặc điểm sinh học của cây thiên niên kiện
- Thiên niên kiện là cây thân cỏ, sống lâu năm.
- Thân rễ mập, bò dài, khi bẻ ngang có xơ như kim, có mùi thơm.
- Lá cây mọc ra từ thân rễ, hình tim, dài từ 20 – 30 cm.
- Phiến lá sáng bóng, phía trên màu đậm, dưới màu nhạt hơn.
- Trên lá có 3 cặp gân gốc và từ 7-9 cặp gân phụ.
- Hoa mọc thành cụm, gọi là những bông mo.
- Mo hoa có màu xanh, dài khoảng 5 cm, dính liền với cây, không rụng.
- Buồng mo dài khoảng 3 cm, bầu hóa chứa nhiều noãn.
- Quả thiên niên kiện thuôn dài, trong quả chứa nhiều hạt có rạch.
- Cây ra hoa vào tháng 4-6 hàng nặm, quả chín sau 4-5 tháng.
Cách trồng, thu hoạch và bảo quản
Tại nước ta có thể phát hiện ra các cây thiên niên kiện mọc hoang nhiều. Nhưng hiện nay, do nhu cầu dược liệu tăng cao nên cây đã được trồng thành những vùng lớn. Cây được trồng bằng rễ.
Thiên niên kiện chủ yếu thu hoạch là bộ rễ. Sau khi hái về, người ta rửa sạch, cắt đoạn chừng một gang tay. Sau đó, đem sấy qua ở nhiệt độ 50 độ C cho khô mặt ngoài, lột đi lớp vỏ, bỏ các rễ con rồi đem phơi khô, bảo quản kỹ.
Thành phần và tác dụng của cây thiên niên kiện
Thành phần của cây thiên niên kiện
Khi phân tích thành phần trong rễ cây thiên niên kiện, thì chúng chứa khoảng 1% tinh dầu. Tinh dầu thiên niên kiện màu vàng nhạt, mùi hương nhẹ, dễ chịu. Hợp chất có trong tinh dầu bao gồm 40% l-linalol, một ít terpineol và chừng 2% este tính theo linalyl acetat. Ngoài ra còn có sabinen, limonen, a-terpinen, acetaldehyt, aldehyd propionic.
Tác dụng của cây thiên niên kiện
Theo sách y học cổ truyền ghi chép lại, rễ cây có vị đắng, cay, có hương thơm, tính ấm nên có tác dụng khử hàn, trừ khí, tiêu thũng, giảm đau nhức xương khớp hiệu quả. Cây thiên niên kiện rất thích hợp để điều trị các chứng đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, nhức mỏi vai gáy, đầu gối.
Ngoài ra, một số trường hợp còn dùng thiên niên kiện để kích thích tiêu hóa, giảm đau dạ dày, đau bụng kinh hoặc làm thuốc trừ sâu nhậy. Chiết suất tinh dầu linalol còn được sử dụng trong ngành công nghiệp hương liệu.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây thiên niên kiện
Đã từ lâu, thiên niên kiện được sử dụng như một dược liệu không thể thiếu trong các bài thuốc trị đau nhức xương khớp. Một số bài thuốc tiêu biểu có thể kể đến như sau:
Bài thuốc chữa phong thấp, đau nhức xương khớp
Bài thuốc 1
Nguyên liệu: Thiên niên kiện, ngưu tất mỗi loại 10g; mộc qua, hy thiêm thảo mỗi vị 20g.
Cách làm: mỗi ngày đem sắc 1 thang thuốc thuốc trên với 1 lít nước, đến khi cô đọng lại còn 400 ml thì dừng, chia làm 2 lần uống hết trong ngày.
Bài thuốc 2:
Nguyên liệu: Thiên niên kiện, ngải cứu, thương nhĩ tử mỗi vị 10g; rễ cây cỏ xước 40g; hy thiêm, thổ phục linh mỗi loại 20g.
Cách làm: mỗi ngày sắc một thang thuốc trên với 4 bát nước đầy cho tới khi còn lại 2 bát nước thì dừng, chia làm 2 lần uống trước khi ăn.
Bài thuốc 3:
Nguyên liệu: Thiên niên kiện, cốt toái bổ mỗi vị 10g, bạch chỉ 8g.
Cách làm: đem các nguyên liệu trên sắc lên, uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa đau bụng kinh bằng thiên niên kiện
Mỗi lần khi đến tháng, rất nhiều chị em đều khổ sở vì đau bụng kinh. Cơn đau kéo dài âm ỉ nhiều ngày liền khiến chị em gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Do đó, các chị em có thể sử dụng bài thuốc giảm đau bụng kinh bằng cây thiên niên kiện dưới đây để cơ thể được thoải mái hơn.
Nguyên liệu: thiên niên kiện, rễ bưởi, rễ cây bướm bạc, rễ cây sim rừng mỗi vị 10g.
Cách làm: đem các nguyên liệu trên sắc lên, uống thay nước trong những ngày hành kinh.
Bài thuốc chữa rôm sảy, mẩn ngứa, dị ứng
Nguyên liệu: thiên niên kiện, gừng tươi, củ sả.
Cách làm: đem các nguyên liệu trên rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng bị bệnh. Thực hiện đều đặn trong vòng 2-3 ngày.
Bài thuốc chữa mụn nhọt, mụn độc
Đem lá thiên niên kiện tươi giã nát, trộn đều với muối hạt rồi đắp lên đầu mụn. Thực hiện mỗi ngày đến khi mụn tịt.
Bài thuốc ngâm rượu chữa bệnh từ cây thiên niên kiện
Nguyên liệu:
1kg củ thiên niên kiện; Ngưu tất, câu kỷ tử, hổ cốt mỗi loại 100g, 2 lít rượu trắng nặng trên 40 độ, 1 bình ngâm.
Cách làm: đem các nguyên liệu trên rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng hạ thổ. Sau đó ngâm các nguyên liệu với rượu trong vòng 1 tháng là có thể sử dụng được. Mỗi ngày uống 1 chén nhỏ trong bữa ăn. Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời.
Bài thuốc trừ sâu nhậy
Đem thiên niên kiện phơi khô, tán thành bột rồi đem rắc lên chỗ bị sâu phá hoại.
Một số lưu ý khi sử dụng cây thiên niên kiện
- Không nên sử dụng làm thuốc hay ngâm rượu thiên niên kiện với số lượng lớn vì có thể gây ngộ độc.
- Các triệu chứng ngộ độc dễ bắt gặp là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu.
- Nên sử dụng tối đa khoảng 10g thiên niên kiện cho mỗi thang thuốc.
- Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ Đông y, không tự ý điều chỉnh số lượng.