Căng cơ lưng là tình trạng xảy ra phổ biến thường làm tổn thương phần mềm dẫn đến các cơn đau vùng lưng đột ngột và dai dẳng. Để dứt điểm hiện tượng này, chúng ta cần nắm rõ các vị trí cột sống lưng thường xuyên bị căng cơ, nguyên nhân, triệu chứng và cách can thiệp hiệu quả nhất!

Vị trí căng cơ lưng
Vùng lưng được phủ bởi nhiều lớp cơ và dây chằng khác nhau như cơ lưng rộng, cơ lưng giữa,… Khi hoạt động sai tư thế hoặc tác động một lực quá mạnh vào những khối cơ vùng lưng này đều có thể làm tổn thương gây căng cơ lưng.

Người ta thường chia lưng làm ba vùng để phân chia theo vị trí nhóm cơ thường gặp là:
- Căng cơ ở lưng trên
- Căng ở lưng giữa
- Căng ở cơ lưng dưới.
Căng cơ lưng trên
Đây là vùng cơ nằm phía sau ngực, có các cơ thang, cơ gai vai, cơ nâng vai, cơ dưới gai, cơ đen ta, cơ trên gai, cơ tròn bé, cơ tròn lớn…
Các lực vận động của cánh tay, mang vác vật nặng thường tác động lớn đến cùng cơ này, dễ làm căng hệ thống cơ và dây chằng xung quanh, khi sự căng quá mức gây tổn thương cơ.
Căng ở cơ lưng dưới
Chủ yếu căng cơ lưng dưới là cơ vuông thắt lưng, cơ có hình tứ giác không đều và kéo dài xuống ngang chậu hông.
Khi phải ngồi lâu hoặc các cơ vùng chậu yếu khiến cơ vuông thắt lưng phải làm việc nhiều hoặc chấn thương vùng này sẽ làm cho cơ căng và đau.
Căng cơ lưng giữa
Đây là vị trí dễ bị tổn thương và hay gặp nhất. Khối cơ vùng này là vùng chịu lực chủ yếu nâng đỡ và chức năng các hoạt động gập, xoay, cúi, nhất là các cơ cạnh cột sống. Căng cơ ở lưng giữa sẽ dễ gây hạn chế vận động.
Triệu chứng căng cơ lưng
Khi căng vùng cơ lưng thường có các biểu hiện đặc trưng như sau:
- Đau lưng: Cơn đau xuất hiện đột ngột sau sang chấn, chấn thương hoặc sai tư thế, mang vác vật nặng, đau nhói vùng cơ bị căng và có thể đau âm ỉ cả vùng cơ lành quanh đó, đau tăng khi thay đổi tư thế và vận động. Cơn đau có thể kéo dài hoặc giảm dần đau âm ỉ.
- Hạn chế vận động: Cúi, gập, xoay người, vặn mình, ngồi, đi lại…
- Co cứng cơ bị căng: Sờ thấy khối cơ chắc, cứng.
- Một số trường hợp chấn thương nặng vùng cơ lưng trên có thể gây tức ngực, khó thở.
Nguyên nhân căng cơ lưng

Nguyên nhân căng cứng cơ lưng có thể do bệnh lý hoặc các nguyên nhân cơ học.
Nguyên nhân cơ học gây căng cơ lưng
- Chấn thương vùng cột sống, lưng như ngã, va đập trực tiếp, tai nạn lao động…
- Vận động sai tư thế: Các vận động đột ngột sai tư thế hoặc kéo dài làm cho cơ và dây chằng co kéo, tổn thương và gây căng cơ.
- Mang vác hay làm việc nặng nhọc: Việc mang vác vật nặng sẽ làm khối cơ chi phối vùng đó chịu một lực tác động lớn quá sức chịu đựng làm cơ bị tổn thương và gây căng cơ.
- Cơ yếu: Những người ít vận động, thường ngồi một chỗ, ít tập thể thao cơ thường nhão hơn và yếu hơn những người hay vận động nên khi có lực tác động vào sức chịu đựng của cơ yếu sẽ gây căng cơ để đáp ứng lại.
- Những người béo phì, hay ngồi thì sẽ tăng áp lực lên cơ đặc biệt là cơ vùng lưng giữa và dưới, tình trạng kéo dài thường xuyên sẽ làm cơ hoạt động quá sức gây căng.
Do bệnh lý
Một số bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến khối cơ vùng lưng và tăng tình trạng căng cơ lưng như:
- Gù vẹo cột sống: Gù vẹo cột sống khiến cột sống mất đường cong sinh lý làm trọng lực tác động lên các vùng không đều, lâu dài các vùng chịu trọng lượng lớn sẽ gây tổn thương cơ và dây chằng gây căng.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Đây là một bệnh lý thường gặp ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng. Bệnh lý này có thể gây co cứng cơ cạnh cột sống.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng.
- Viêm khớp
- U vùng cột sống chèn ép.
Căng cơ lưng làm sao hết?

Căng cơ lưng tưởng chừng như đơn giản nhưng các triệu chứng của nó gây hạn chế vận động và làm giảm sức lao động của người bị, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh hoạt của chúng ta. Vậy làm thế nào để chữa khỏi?
Căng tức vùng cơ lưng có thể chữa trị được bằng nhiều cách và chủ yếu dựa vào nguyên nhân của nó.
- Nếu do nguyên nhân cơ học thì ngừng tác động cơ học lên vùng cơ bị căng sẽ khiến triệu chứng đau do căng cơ giảm dần và có thể tự khỏi. Các trường hợp do chấn thương cần được thăm khám kỹ càng để điều trị cụ thể.
- Hạn chế vận động, nghỉ ngơi thư giãn sẽ giúp giảm đau và tổn thương cơ nhanh lành.
- Điều trị bệnh lý gây nên: Thoát vị đĩa đệm có thể phẫu thuật.
- Giảm đau bằng các thuốc giảm đau như Paracetamol, Hapacol…
Ngoài ra có các biện pháp vật lý trị liệu sau để làm giảm đau do căng cơ:
- Xoa bóp, bấm huyệt
- Kéo giãn cơ: Thường dùng với trường hợp căng cơ do co thắt cơ mãn tính.
- Chiếu đèn hồng ngoại
- Đắp nến
Căng cơ lưng là một tình trạng rất hay gặp trong cuộc sống. Nó có thể tự khỏi nếu chúng ta thực hiện đúng cách mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên có một số nguyên nhân dẫn đến căng cơ cần phải được thăm khám cẩn thận để tránh các biến chứng cũng như tiến triển nặng hơn.