Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh lý toàn thân, đặc trưng bởi hiện tượng giảm thông khí phổi. Đây là một bệnh mạn tính kéo dài và hay tái phát, tạo ra các đợt cấp tiến triển của tình trạng giảm thông khí phế nang. Do đó cần có biện pháp phòng và điều trị.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là bệnh đường hô hấp nhỏ, đặc trưng bởi tắc nghẽn thông khí (do viêm phế quản mạn hay khí phế thũng).
Sự tắc nghẽn này có tiến triển, có thể tăng đáp ứng của đường hô hấp và hồi phục một phần. Bệnh biểu hiện bằng tình trạng ho khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức và tắc nghẽn thông khí.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 ngang với HIV/AIDS. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khi các bệnh lý khác đang được kiểm soát tốt, có xu hướng giảm hoặc không đổi thì tần suất xuất hiện COPD đang tăng nhanh.
Nếu năm 1990, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 thì đến năm 2020 sẽ lên hàng thứ 3. Giải thích điều này thì có rất nhiều bệnh nhân COPD không được phát hiện sớm để tầm soát, hơn nữa đây là một bệnh lý diễn tiến từ từ bệnh nhân khi đến khám đã có giảm thông khí đáng kể bắt đầu có bệnh lý tâm phế mạn kèm theo. Do đó, COPD được coi như một “kẻ giết người thầm lặng”.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có chữa được không?
Mặc dù bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được coi như “kẻ giết người thầm lặng” nhưng đây là một bệnh lý có thể phòng và điều trị được nếu được phát hiện sớm.
Ở giai đoạn sớm, phế quản đáp ứng tốt với liệu pháp tăng thông khí phổi. Bệnh nhân hoàn toàn có thể sinh hoạt và công tác như những người không mắc bệnh. Tuy nhiên để đạt được điều này cần phải có sự phối hợp tốt giữa người bệnh, thầy thuốc và người chăm sóc cho bệnh nhân.
Người bệnh nên tuân thủ đúng và đầy đủ những lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống, chế độ tập luyện, chế độ dùng thuốc và các biện pháp phòng tránh các đợt cấp tiến triển của COPD.
Tắc nghẽn phổi mãn tính sống được bao lâu?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường được phát hiện ở những bệnh nhân trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Tỉ lệ bệnh xuất hiện ở nam nhiều hơn ở nữ. Lúc này khi thăm dò chức năng thông khí phổi chỉ số FEV1, FEV1/FVC đều giảm và không hồi phục với test giãn phế quản. Tiên lượng bệnh sẽ phụ thuộc vào kết quả thăm dò chức năng hô hấp của người bệnh.
Tiến triển tự nhiên khi có triệu chứng đến khi xuất hiện tâm phế mạn từ 6-10 năm. Sau đợt cấp đầu tiên của COPD, 70% bệnh nhân tử vong trong vòng 2 năm. Sau đợt cấp tái diễn có suy hô hấp cấp, 50% bệnh nhân tử vong trong vòng 1 năm.
Cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD
Nguyên tắc điều trị COPD là làm chậm sự suy giảm chức năng phổi, giảm các triệu chứng khó thở, ho, khạc đàm… và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Bước quan trọng nhất trong điều trị COPD là phải ngừng hút thuốc vì hút thuốc làm gia tăng sự suy giảm chức năng phổi.
Ngừng hút thuốc sẽ giúp đưa được chức năng phổi trở về bình thường nếu bệnh nhân còn trẻ và mắc bệnh ở mức độ nhẹ và vừa. Đặc biệt ở bất kì ở lứa tuổi nào thì sự chấm dứt việc hút thuốc cũng có lợi cho bệnh nhân COPD vì giảm tần suất mắc bệnh và tử vong.
Tập thể dục có lợi cho sức khỏe, kể cả những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những môn thể thao phù hợp với bệnh nhân COPD: đi bộ, đạp xe, bơi, khí công, thể dục nhịp điệu… Không nên những môn cần gắng sức quá nhiều như chạy, tenis, đá bóng… Cần có chế độ thích hợp để tập luyện vào mùa lạnh. Nên khởi động ít nhất 5 phút trước khi bắt đầu bài tập.
Đối với việc dùng thuốc để điều trị COPD yêu cầu cần căn cứ vào đáp ứng của bệnh nhân với từng liệu pháp. Bệnh nhân được sử dụng thuốc giãn phế quản bao gồm cả 2 dạng uống và dạng xịt phun sương. Liệu pháp này giúp giảm co thắt cơ trơn phế quản, giúp cải thiện chức năng thông khí phổi.
Ngoài ra, việc sử dụng corticosteroid và kháng sinh cũng được cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây chứng minh rằng corticoid là thuốc cơ bản trong điều trị hen phế quản nhưng không phải chỉ định chính trong điều trị COPD vì vai trò hạn chế trong việc duy trì chức năng phổi ở bệnh nhân COPD. Lý do là chất trung gian gây viêm ở hen và COPD khác nhau.
Phác đồ điều trị COPD của bộ y tế
Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể dùng phối hợp các thuốc giãn phế quản cường β2 và kháng anticholinergic đại diện gồm Salbutamol; Fenoterol+Ipratropium; Salbutamol+Ipratropium xịt hoặc khí dung. Liệu pháp corticoid và kháng sinh được cân nhắc sử dụng nếu cần.
Đảm bảo cung cấp đủ oxy thông qua canuyn mũi hầu. Cho bệnh nhân thở máy nếu độ bão hòa oxy trong máu giảm.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là bệnh lý hô hấp mạn tính tiến triển từ từ gây tử vong cao. Tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng và điều trị được nếu phát hiện sớm. Để giảm thiểu sự gia tăng của bệnh cần tích cực tuyên truyền nâng cao kiến thức về bệnh để phòng ngừa “kẻ giết người thầm lặng” này.