Báo gấm (có danh pháp khoa học: Neofelis nebulosa) chúng được xếp vào một loại thú họ mèo cỡ trung bình. Đây là loại động vật đã đưa vào trong sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng rất cao do môi trường sinh sống bị thu hẹp, cũng như sự săn bắn quá mức của con người…
Thông tin về loài báo gấm
Cho đến nay số lượng báo gấm được tìm thấy ngoài thiên nhiên đang ở mức rất thấp, chính vì thế mà vẫn chưa có nhiều những nghiên cứu về loại động vật này. Sau đây sẽ là một số thông tin giúp bạn có thể xác định được báo gấp dựa vào hình dáng, tập tính sống…của loài động vật này.
Hình dáng của báo gấm
- Chiều dài cơ thể từ mũi của báo gấm tới phần chóp đuôi giao động trong khoảng 60-120cm, cân nặng của chúng từ 11-20kg.
- Lông của chúng có độ dài khoảng 1cm, màu nâu hoặc màu hung, điểm hoa elip lớn với kích thước không đồng đều, có màu sẫm như những đám mây( chính vì thế mà tên một số tiếng nước ngoài có gọi là báo mây)
- Phần đầu của báo gấm nhỏ, thân to khỏe, 4 chân to khỏe và lực lưỡng, phần bụng hơi hóp lại, đuôi của báo gấm dài bằng phần thân để giúp giữ thăng bằng khi leo trèo gặp nhiều thuận lợi
- Răng nanh sắc nhọn, phục vụ cho công việc săn mồi. Vuốt của báo gấm cũng khá dài và thường thu lại vào bên trong những ngón chân, chúng chỉ được vươn ra khi săn bắt và tấn công kẻ thù(tương tự như loài mèo)
Sinh học,sinh thái loài báo gấm
Do số lượng của loài báo gấm này đang ở mức rất hiếm, chính vì thế mà việc theo dõi tập tính sinh sống của loài động vật này gặp rất nhiều những khó khăn.
Thức ăn: Theo các nhà nghiên cứu thì báo gấm chủ yếu săn bắt những loại động vật có vú sống trên cây như vượn, khỉ đuôi lợn, khỉ Proboscis hoặc có thể là nai, gia súc hoặc chim chóc…
Chủ yếu sống trên cây: Báo gấm là loại động vật rất giỏi leo trèo, chính vì thế chúng sống chủ yếu trên cây hoặc trên những vách đá và chỉ khi uống nước báo gấm mới xuống mặt đất. Báo gấm có thể di chuyển treo người ngược đầu xuống phía dưới
Sinh sản: Sau quá trình giao phối thì báo gấm cái sẽ mang thai trong khoảng thời gian từ 90-95 ngày, và đẻ ra 2-4 con mỗi lứa, mỗi cá thể báo gấm con khi mới sinh có cân nặng giao động 150-180g, sau khi sinh khoảng 10 ngày báo gấm con sẽ mở mắt được. Mỗi năm báo gấm thường tiến hành sinh sản 1 lần
Tập tính: Báo gấm thường sống một mình, vào mùa sinh sản chúng có thể bắt cặp và đi đôi. Hoạt động chủ yếu vào ban đêm, khi các loài động vật khác đi ngủ là khoảng thời gian thích hợp để báo gấm săn mồi. Ban ngày chúng thường nghỉ ngơi trên các cành cây cao.
Khu vực sinh sống và cách phân loại báo gấm
Báo gấm sinh sống chủ yếu tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong những cánh rừng nhiệt đới hoặc cận nhiệt với độ cao trung bình trên 2000m so với mực nước biển. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp người ta tìm thấy các cá thể báo gấm sống tại những nơi ven biển, có cây đước mọc hay đồng cỏ.
Hiện tại thì các nhà khoa học phân ra thành 4 loại báo gấm khác nhau dựa vào khu vực mà chúng sinh sống:
- Neofelis nebulosa nebulosa: Báo gấm Nam Trung Quốc
- Neofelis nebulosa diardi: Báo gấm Indonesia
- Neofelis nebulosa brachyurus: Báo gấm Đài Loan (loài này được cho là đã bị tuyệt chủng)
- Neofelis nebulosa macrosceloides: Phân bố tại vùng Nepal tới Miến Điện
Ở Việt Nam thì loài báo gấm được xác định là Neofelis nebulosa nebulosa( Báo gấm Nam Trung Quốc), chúng được cho là đã từng xuất hiện trong những cánh rừng thuộc Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Nghệ An, Lâm Đồng và một số khu rừng trong cả nước…
Loài báo ở Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng
Nhiều ghi chép chỉ ra rằng số lượng báo gấm ở Việt Nam là rất lớn, nhiều thợ săn hoặc những người dân đi rừng thường thấy chúng leo trèo trên những cành cây để nghỉ ngơi hoặc uống nước bên các bờ suối trong rừng. Thậm chí nhiều trường hợp báo gấm còn vào các bản làng sinh sống ven rừng để săn bắt gia súc và gia cầm…
Do tình trạng chặt phá rừng diễn ra một cách không kiểm soát đã khiến cho nguồn thức ăn của loài báo ở Việt Nam bị suy giảm một cách nghiêm trọng, khiến chúng di chuyển sang các khu vực sinh sống khác để tìm kiếm thức ăn. Một trong những nguyên nhân khác khiến số lượng của báo gấm suy giảm nhanh chóng ở Việt Nam đó là do con người săn bắt một cách quá mức để bảo vệ đàn gia súc, làm thức ăn cũng như làm thuốc…
Biện pháp bảo tồn loài báo gấm
Lãnh thổ sinh sống của báo gấm thường rất rộng lớn, chính vì thế mà rất khó xác định chính xác được số lượng của loài động vật này. Ngày nay, do tình trạng chặt phá rừng diễn ra một cách không kiểm soát, khiến nơi cư trú của báo gấm bị thu hẹp cũng như việc săn bắn vô tội vạ để làm thuốc đã khiến số lượng của chúng bị suy giảm một cách nhanh chóng và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.
Hiệp ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã đang gặp nguy hiểm (CITES) đã đưa báo gấm vào các loại thuộc phụ lục I. Chứng tỏ đây là một loài động vật đang gặp nguy hiểm nhất và có nguy cơ bị tuyệt chủng hoàn toàn. Tại Mỹ thì báo gấm cũng được đưa vào danh sách “ Chứng thư các loài đang gặp nguy hiểm” để ngăn cấm buôn bán các cá thể hoặc bộ phận của chúng. Tại các quốc gia có báo gấm sinh sống việc cấm săn bắt đã được áp dụng từ rất lâu.
Ở Việt nam thì báo gấm đã được đưa vào trong sách đỏ Nhóm IB Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Lập ra chiến lược bảo vệ rõ ràng cho các khu vực được cho là có loài báo gấm sinh sống. Cần được nhân giống sinh sản bán tự nhiên để bảo tồn và thả vào môi trường thiên nhiên khi có điều kiện thích hợp
Bên trên là những thông tin chia sẻ về loài báo gấm. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết các bạn sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ loài động vật cực kỳ quý hiếm này, tránh nguy cơ có thể bị tuyệt chủng.